Thúc đẩy khởi động đàm phán FTA Việt Nam - Khối thị trường chung Nam Mỹ

Việt Nam và các quốc gia thuộc khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur, gồm Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) đang thúc đẩy khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Mercosur. Việc có FTA với khu vực này sẽ giúp hàng hóa Việt Nam khai thác thị trường xuất khẩu khu vực Mỹ La-tinh.

Tại buổi tiếp Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani tại trụ sở Bộ Công thương hôm 4/11  để thảo luận về quan hệ kinh tế và thương mại song phương, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã đề cập đến thúc đẩy khởi động đàm phán FTA này.

"Khởi động đàm phán FTA Việt Nam – Mercosur với kỳ vọng Hiệp định sẽ tạo ra bước đột phá trong quan hệ thương mại, giúp thúc đẩy trao đổi hàng hóa và đầu tư giữa Việt Nam với Brazil nói riêng và với các nước trong khối nói chung tăng trưởng trong giai đoạn tới", Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nói.

Nội dung thúc đẩy khởi động đàm phán FTA này cũng được bàn thảo trong buổi tiếp Đại sứ Argentina, Marcos A.Bednarski  hôm 7/11.

Mercosur là khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới, đây là thị trường rất tiềm năng đối với các mặt hàng tiêu dùng vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Với gần 300 triệu dân, chiếm khoảng 70% dân số Nam Mỹ, Mercosur là thị trường rất tiềm năng cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như may mặc, da giày, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến.

Năm 2022, thương mại 2 chiều của Việt Nam với 4 thị trường Nam Mỹ  đạt hơn 12 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 3,3 tỷ USD, tăng 3,4%; nhập khẩu đạt 8,7 tỷ USD, tăng 11,6%.

Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu từ 2 đối tác chính, gồm Brazil và Argentina khoảng 6,95 tỷ USD và xuất khẩu gần 3,25 tỷ USD.

Là một trong các quốc gia thuộc Mercosur, Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ và ngược lại Việt Nam là đối tác thương mại của Brazil tại khu vực Đông Nam Á với kim ngạch thương mại năm 2023 đạt gần 7 tỷ USD,

Thông qua FTA giữa Việt Nam và Mercosur, Brazil có thể trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Mỹ Latinh cũng như Mercosur. Ngược lại, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối giúp Brazil tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 650 triệu dân và một thị trường lớn hơn với 800 triệu dân của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Khi FTA Việt Nam và Mercosur, được ký kết, sẽ mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho Việt Nam, từ việc mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư đến tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đánh giá của Bộ Công thương, các nước Mercosur có thế mạnh sản xuất, xuất khẩu nông sản, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu công nghiệp, khoáng sản, trong khi mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mercosur là thiết bị điện tử, viễn thông, dệt may, giày dép…

Cơ cấu hàng hóa mang tính bổ sung cho nhau và không cạnh tranh trực tiếp cũng là một thế mạnh của Việt Nam trong việc tiếp cận gần hơn với thị trường này. 

Tuy nhiên, do xa cách về địa lý, khác biệt về ngôn ngữ, chưa có tuyến vận tải hàng hóa, hành khách trực tiếp nên chi phí logistics cho hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường này còn cao.

Ngoài ra, các nước Mercosur hiện cũng chưa có bất cứ thỏa thuận ưu đãi thương mại nào với các quốc gia có cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, do vậy, việc tiếp cận thị trường này sẽ tạo ra cú hích lớn cho hàng hóa của Việt Nam.

Nguồn: Báo Đầu tư