Tiềm năng xuất khẩu hàng hoá Việt Nam vào Trung Quốc thông qua thương mại điện tử rất lớn

Khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy 53% số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử, 47% sử dụng website hoặc ứng dụng tự xây.

60% doanh nghiệp cho biết giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử chiếm 10-30% tổng số xuất nhập khẩu hàng hoá của doanh nghiệp.

Trong đó, thị trường phổ biến ứng dụng thương mại điện tử cho hoạt động xuất khẩu là Hàn Quốc (chiếm 45%); Nhật Bản chiếm 40%; Trung Quốc chiếm 38%.

Ông Liu Liang, đại diện Sở Thương mại Vân Nam, Trung Quốc, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Vân Nam Trung Quốc, nhận định tiềm năng xuất khẩu hàng hoá Việt Nam vào Trung Quốc thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới rất lớn.

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Vân Nam với tư cách là cửa ngõ quan trọng ở phía tây nam Trung Quốc, dựa vào lợi thế vị trí địa lý độc đáo và tài nguyên phong phú, đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Từ năm 2018 đến nay, tổng kim ngạch giao dịch thương mại điện tử của Vân Nam tăng trưởng hơn 20% mỗi năm. Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại điện tử nông sản, Vân Nam đã xây dựng thương hiệu "Sản phẩm Vân Nam vươn ra quốc tế", đưa các sản phẩm đặc trưng như cà phê, chè, hoa tươi, trái cây vươn ra khắp cả nước và thế giới.

Đồng thời, Vân Nam cũng thể hiện sự nổi bật trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới. Dữ liệu cho thấy chỉ riêng năm 2023, tổng kim ngạch giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới của Vân Nam đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tỷ trọng thương mại với các quốc gia Đông Nam Á chiếm hơn 60%.

Tương tự Trung Quốc, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Vân Nam Trung Quốc đánh giá trong những năm gần đây, Việt Nam đã có sự phát triển đáng kinh ngạc trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo số liệu, năm 2023 quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đạt hơn 20 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm vượt 25%. Việt Nam có một lượng lớn người tiêu dùng trẻ, nhu cầu mua sắm trực tuyến quốc tế mạnh mẽ, điều này tạo mối quan hệ bổ trợ tự nhiên với thị trường Trung Quốc.

“Chúng tôi nhận thấy các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo và giày dép có tiềm năng rất lớn trên thị trường Trung Quốc”, ông Liu nhận định.

Ví dụ, thanh long, hạt điều và hạt cà phê của Việt Nam đã thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Vân Nam, xuất hiện trên bàn ăn của người tiêu dùng Trung Quốc. Trong tương lai, cùng với việc tối ưu hóa logistics và chính sách, thị phần của những sản phẩm này của Việt Nam sẽ còn tiếp tục mở rộng. Vân Nam không chỉ là cầu nối giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, mà còn là điểm nút quan trọng thúc đẩy hợp tác thương mại điện tử giữa hai nước.

Để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, ông Liu cho rằng cần xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử hoàn chỉnh hơn, bao gồm: nâng cấp cơ sở hạ tầng, tiếp tục hoàn thiện mạng lưới logistics kho bãi, xây dựng thêm kho ngoại quan và trung tâm phân loại, đảm bảo hàng hóa Việt Nam thông quan nhanh chóng.

“Tuyến đường sắt Trung Quốc - Việt Nam đoạn Vân Nam sắp hoàn thành không chỉ rút ngắn đáng kể thời gian logistics mà còn giảm chi phí vận chuyển, mang lại giải pháp hiệu quả hơn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Quốc”, ông Liu kỳ vọng.

Mặt khác, hai bên cần đẩy mạnh hỗ trợ công nghệ, thông qua dữ liệu lớn và công nghệ trí tuệ nhân tạo, thực hiện phân tích thị trường chính xác, giúp doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc.

Đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp thương mại điện tử hai nước tổ chức nhiều hoạt động giao lưu và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thương mại điện tử có tầm nhìn quốc tế.

Mặt khác, hai bên cần tăng cường liên kết ngành thông qua việc tổ chức thêm các triển lãm thương mại điện tử xuyên biên giới và hội nghị kết nối thương mại, tạo nền tảng giao lưu cho doanh nghiệp hai nước. Khám phá các mô hình thương mại mới, ví dụ như sử dụng công nghệ blockchain để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của chuỗi cung ứng.

Cùng với đó, thúc đẩy thương mại điện tử xanh, khuyến khích bao bì thân thiện với môi trường và logistics carbon thấp, đóng góp cho sự phát triển bền vững toàn cầu.

“Vân Nam có khả năng và tự tin cung cấp dịch vụ tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Quốc và thế giới”, ông Liu nhấn mạnh.

Nguồn: TBKTVN