Quay lại

Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cho các tổ chức xúc tiến trong giai đoạn mới”

Ngày 15/11/2022, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO), Thương vụ Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh (Kotra) tổ chức buổi Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cho các tổ chức xúc tiến trong giai đoạn mới” với sự hiện diện của hơn 150 người đến từ Sở Công Thương, trung tâm xúc tiến các tỉnh, thành phía nam, cơ quan báo, đài và các doanh nghiệp quan tâm. Chương trình nhằm phổ biến, thông tin chính sách, các quy định tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu và cơ hội thị trường nước ngoài phục vụ công tác điều hành nâng cao nghiệp vụ xúc tiến thương mại; chia sẻ các thông tin, kiến thức, một số kinh nghiệm về xúc tiến thương mại nước ngoài trong tình hình mới.

Chương trình có sự hiện diện của các đại biểu: ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC), ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, bà Bùi Hoàng Yến - Cục Xúc tiến thương mại và lãnh đạo Sở Công Thương, trung tâm xúc tiến các tỉnh, thành phía Nam.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Charles Mordret - Chuyên gia ngành hàng nguyên liệu thực phẩm Từ Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO) bày tỏ, hoạt động xúc tiến thương mại nên được thực hiện riêng theo từng lĩnh vực do mỗi mặt hàng, sản phẩm có sự khác biệt và cần sự chuyên sâu khác nhau. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối mang tính chiến lược, để tận dụng được thế mạnh riêng của từng đơn vị, lĩnh vực. Một số xu hướng sắp tới của công tác xúc tiến vào các nước châu Âu là: xây dựng hình ảnh, sự hiện diện quốc gia, thương hiệu ngành hàng gắn với  tính bền vững, gắn với việc trách nhiệm của công ty về kinh doanh, xuất khẩu, lợi nhuận vào trách nhiệm xã hội, cộng đồng. Theo ông, trong thương mại quốc tế, có nhiều thay đổi liên quan đến an toàn sản phẩm, chất lượng nên cần tăng cường các hoạt động trao đổi, đào tạo, hội thảo, cập nhật các thay đổi trong quy định và yêu cầu của thị trường nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần thúc đẩy nâng cao khả năng tiếp cận các công cụ, kênh giao dịch trên nền tảng số và khả năng ứng dụng các công cụ số, áp dụng các hình thức kết nối giao thương B2B mới (trực tuyến, kết hợp trực tiếp và trực tuyến). Đặc biệt, đẩy mạnh kết nối giữa các đơn vị, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, đa dạng các hình thức hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến trong giai đoạn mới.  

Ông Kim Seoung, Phó đại diện Kotra đã trình bày hoạt động hỗ trợ của Kotra đối với công tác xúc tiến giữa Việt Nam và Hàn Quốc như: tổ chức các sự kiện giao thương B2B giữa nhà cung cấp Hàn Quốc với doanh nghiệp Việt Nam thông qua tổ chức theo đoàn cá nhân các doanh nghiệp mua hàng đến Hàn Quốc; phối hợp với các chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan hỗ trợ các nhà cung cấp là doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc kết nối với doanh nghiệp Việt Nam; mời doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các lớp đào tạo, triển lãm sản phẩm các sự kiện thương mại quốc tế Hàn Quốc. Bên cạnh đó, ông Kim Seoung còn chia sẻ thêm về các kinh nghiệm xúc tiến, kiến thức nâng cao kỹ năng xúc tiến trên thế giới nói chung và của Hàn Quốc nói riêng.

Chương trình Tọa đàm đã diễn ra khá sôi nổi với các câu hỏi xuất phát từ nhu cầu thực tế của công tác xúc tiến hiện nay là làm thế nào để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến cũng như để hỗ trợ các doanh nghiệp tồn tại và phát triển thị trường bền vững trong giai đoạn kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Qua buổi Tọa đàm, Sở Công Thương, các trung tâm xúc tiến, nhà quản lý xúc tiến và một số doanh nhân đánh giá cao công tác tổ chức của ITPC và mong muốn cùng đồng hành với ITPC trong các chương trình diễn ra sắp tới.

Nguồn: Phòng Thông tin ITPC