Quay lại

Tổng kết chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư năm 2022: Nhà đầu tư tìm kiếm gì từ thị trường TP. Hồ Chí Minh?

Sáng 15/9/2022, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp tổ chức Diễn đàn hỗ trợ đầu tư “Nhà đầu tư tìm kiếm gì từ thị trường TP. Hồ Chí Minh”.

 Đây là sự kiện thứ 9, kết thúc Chuỗi sự kiện “Xúc tiến đầu tư và phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài năm 2022 - Investment Promotion Series 2022” do ITPC và VIAC phối hợp tổ chức. Tính chung trong toàn chuỗi sự kiện, theo công bố của Ban Tổ chức, đã có 05 hội thảo, 04 tọa đàm thu hút tổng cộng 700 đại biểu tham dự trực tiếp tại các hội thảo, hơn 1.000 lượt tham dự trực tiếp, hơn 20.000 lượt người xem tại các buổi tọa đàm. Ban Tổ chức cũng ghi nhận hơn 100 tin bài về chuỗi sự kiện đã được đăng trên các phương tiện thông tin, truyền thông.

Riêng Diễn đàn sáng 15/9 có 200 đại biểu là các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, luật sư, cơ quan ban ngành và các cơ quan thông tấn báo chí tham dự. Về phía đơn vị tổ chức có TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC). Về phía đại diện các nhà đầu tư có bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham); ông Leif Schneider, Trưởng Tiểu ban Pháp luật Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham); ông Nobuyuki Matsumoto, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM; ông Choi Keun Hwan, Cố vấn Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và miền Nam (Kocham); ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam. Về phía các đơn vị ban ngành chuyên môn có bà Mai Phong Lan, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM; TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Lương Hiền, Phó Tổng Giám đốc Pricewaterhouse Cooper (PwC) và ông Fridrick R. Burke, Cố vấn cao cấp Baker & Mc Kenzie (Vietnam) LTD.

Dịp này, Ban Tổ chức cũng đã trao hoa, kỷ niệm chương cám ơn các nhà tài trợ; các chuyên gia đã tham gia các buổi hội thảo trước đó.

Đi vào nội dung, phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra những nhận định sơ bộ về tình hình đầu tư tại Việt Nam, những khó khăn, thách thức và cơ hội cho Việt Nam trong thời gian tới.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, nhận diện được ý nghĩa và vai trò của nguồn vốn FDI đối với Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, triển khai nhiều giải pháp tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, an toàn. Bản thân các doanh nghiệp cũng không ngừng hoàn thiện về mặt nhân lực, dây chuyền sản xuất để thu hút các nhà đầu tư. Đáp lại những nỗ lực ấy, qua nhiều năm, tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng, và kể cả khi toàn cầu chịu tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19, hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn không giảm về độ sôi động, tính hiệu quả và chất lượng.

Cụ thể, theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” gần 16,8 tỷ USD vào Việt Nam. Đây có thể nói là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy rằng Việt Nam vẫn đang giữ vững được vị trí là một địa điểm đầu tư đáng tin cậy.

Là vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia, đầu tàu kinh tế của đất nước, TP.HCM luôn là vùng đất quy tụ những nhà đầu tư lớn, với nguồn vốn đầu tư chảy vào mạnh mẽ qua từng năm. Trong 53 tỉnh thành tiếp nhận nguồn vốn đầu tư, TP.HCM là nơi dẫn đầu về tỷ lệ đầu tư cũng như các dự án mới. Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, mặc dù các nhà đầu tư vẫn khẳng định TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ luôn là điểm đến lý tưởng ở hiện tại cũng như trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có thể thu hút mạnh mẽ các FDI mới, tiềm năng, hầu hết các nhà đầu tư cho rằng TP.HCM cần giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình; cải thiện hơn về khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư cùng với thúc đẩy hơn sự phát triển của các lĩnh vực mới như công nghệ, tài chính, hạ tầng đô thị...

Sau phát biểu của TS Vũ Tiến Lộc, Diễn đàn được diễn ra với hình thức phiên thảo luận.

Phiên thứ nhất có chủ đề “Nhà đầu tư tìm kiếm gì từ thị trường Thành phố Hồ Chí Minh?”.

Mở đầu là phát biểu của ông Leif Schneider - Trưởng Tiểu ban Pháp luật Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham). Tiếp đó là phát biểu của ông Nobuyuki Matsumoto - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM. Người trình bày kế tiếp là bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham). Sau đó là ý kiến của ông Choi Keun Hwan - Cố vấn Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và miền Nam Việt Nam (Kocham). Kết thúc phiên thứ nhất là trình bày của ông Seck Yee Chung - Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam.

Các  diễn giả đã đề cập thẳng thắn, cụ thể và thú vị với nhiều nội dung gồm: những thay đổi cần có và đề xuất xây dựng môi trường đầu tư hiện đại cho TP.HCM; trăn trở của nhà đầu tư về môi trường đầu tư của TP.HCM; nhận định về điểm mạnh và điểm yếu của môi trường đầu tư Thành phố; những yếu tố mà nhà đầu tư cần từ môi trường đầu tư của Thành phố; hiến kế của nhà đầu tư nước ngoài trong việc cả thiện môi trường đâu tư cho Thành phố.

Trong phát biểu tổng kết Phiên thảo luận thứ nhất, bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. HCM (ITPC) đã nêu ba nội dung chính về tổng quan 34 năm đầu tư nước ngoài tại TP.HCM; các lợi thế thu hút đầu tư của Thành phố và thách thức đối với môi trường đầu tư TP.HCM hiện nay.

Theo bà Cao Thị Phi Vân, trình bày của các Hiệp hội cho thấy các nhà đầu tư rất quan tâm vấn đề minh bạch, thông thoáng của môi trường đầu tư tại Thành phố. Vấn đề cải cách hành chánh cũng đã được TP.HCM tập trung rất nhiều nỗ lực để giải quyết. Chủ đề năm 2019 của TP.HCM là “Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”; năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”; năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

“Cả ba năm, Thành phố đều đề cập vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Thành phố luôn luôn lắng nghe để đồng hành cùng với nhà đầu tư. Thành phố đã nỗ lực rất nhiều nhưng có lẽ là chưa đủ để dáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư”, bà Cao Thị Phi Vân nói.

Bà Vân cho biết, Lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo phải làm sao để các ý kiến của của nhà đầu tư có thể đến với chính quyền TP.HCM nhanh nhất. “Hôm nay, trong hội nghị này tôi rất muốn quý vị có bất cứ yêu cầu đề xuất gì liên quan đến Thành phố xin liên hệ trực tiếp với ITPC. Chúng tôi sẽ tiếp nhận qua điện thoại, email, văn bản. ITPC biết cơ quan nào giải quyết vấn đề gì và chúng tôi sẵn sàng kết nối để quý vị gặp và giải quyết”, bà Vân nhấn mạnh. 

Các nhà đầu tư cũng nêu nhiều ý kiến về hạ tầng cơ sở, giao thông. “Thành phố Hồ Chí Minh biết rất rõ điểm yếu của mình là hạ tầng giao thông. Thành phố đang tập trung làm các công trình Vành đai 2, 3, 4,  tuyến cao tốc Mộc Bài (Tây Ninh) và đang nghiên cứu mở tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ; TP.HCM - Long Thành...”, bà Vân phát biểu.

Tiếp đó, trong phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư an toàn tại TP.HCM”, TS Vũ Tiến Lộc đã đề dẫn với sự tham gia của các diễn giả: bà Mai Phong Lan - Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh; TS. Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Frederick R. Burke - Cố vấn cấp cao Baker & Mc Kenzie (Vietnam) LTD và ông Nguyễn Lương Hiền - Phó Tổng giám đốc Pricewaterhouse Coopers (PwC).

Các diễn giả đã trình bày nhiều nội dung về xu hướng FDI và giải pháp thu hút đầu tư trong bối cảnh mới; những điểm tạo thuận lợi và chính sách thu hút đầu tư tại TP.HCM; cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy môi trường đầu tư an toàn tại TP.HCM.