TP.HCM đẩy mạnh hợp tác phát triển với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2022 và triển khai phương hướng đến năm 2025, đã diễn ra tại Bến Tre cuối tuần qua.

HỢP TÁC CÙNG PHÁT TRIỂN
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi, việc liên kết phát triển phải tạo lập được không gian kinh tế chung cho tăng trưởng của toàn vùng và của TP.HCM; phát huy tốt nhất lợi thế từng địa phương và của vùng.

Việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển giữa TP.HCM và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút các dự án từ các nhà đầu tư TP.HCM cho các địa phương trong vùng.

Đây cũng là điều kiện, cơ hội trong việc liên kết triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Hiện nay, TP.HCM và các địa phương đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, nhận xét kết quả hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông, các hoạt động an sinh xã hội...

Bưởi da xanh, sản phẩm đã được Tập đoàn Central Retail ký hợp đồng mua bán chính thức với Công ty cỏ phần Vinagreenco, Vĩnh Long. Ảnh minh họa.

Bưởi da xanh, sản phẩm đã được Tập đoàn Central Retail ký hợp đồng mua bán chính thức với Công ty cỏ phần Vinagreenco, Vĩnh Long. Ảnh minh họa.

Trong thời gian qua, tỉnh Bến Tre và TP.HCM đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ kết nối cung - cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gặp gỡ, tìm hiểu, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ, tư vấn và tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa tỉnh Bến Tre đi vào hệ thống các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích của TP.HCM được phối hợp thực hiện tốt và đạt nhiều kết quả. Các doanh nghiệp của tỉnh Bến Tre đã tìm được hàng chục đại lý phân phối tại TP.HCM; ký được 122 hợp đồng, biên bản ghi nhớ hợp tác với doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối, chuỗi bán lẻ... tại TP.HCM.

TP.HCM LÀ ĐIỂM ĐẾN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, TP.HCM sẽ tập trung triển khai phối hợp và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, các nội dung hợp tác súc tích và có trọng tâm.

Đối với lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, đối với các dự án giao thông thuộc thẩm quyền của Trung ương, ông Mãi cho biết TP.HCM sẽ chủ động, phối hợp cùng các địa phương làm việc, đề xuất với các cơ quan trung ương để sớm triển khai thực hiện; tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; nghiên cứu, đề xuất bố trí các vị trí để mở rộng các chuỗi cung ứng, bán lẻ hàng hóa tại các tỉnh, các cửa hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của các tỉnh tại TP.HCM.

Nằm trong chuỗi sự kiện này, trước đó cũng đã diễn ra hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp phân phối TP.HCM và các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Bến Tre, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long cùng 154 doanh nghiệp cung ứng của 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.

Tháng 3/2022, TP.HCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch đến năm 2025. 

Tháng 3/2022, TP.HCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch đến năm 2025. 

Hội nghị đã kết nối, ký kết được các hợp đồng mua bán chính thức giữa các tập đoàn, nhà cung ứng lớn với các doanh nghiệp trong vùng, như Tập đoàn Central Retail, Công ty VinaGreenco, Saigon Coop, MM Mega Mart, Satra, Bách Hóa Xanh, sàn thương mại điện tử Tiki, GS25… Các kết nối thành công chủ yếu là lương thực, thực phẩm, nông sản, rau củ quả an toàn, thủy hải sản và các sản phẩm chế biến từ dừa (kẹo dừa, nước dừa, tinh dầu dừa…).

Trước đó, vào tháng 3/2022, TP.HCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch đến năm 2025 đồng thời phát động chương trình “Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới”.

Theo đó, thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch trên tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, bình đẳng và cùng phát triển; bảo đảm hiệu quả thiết thực cho cộng đồng; trong đó doanh nghiệp du lịch đóng vai trò quyết định trong việc triển khai hợp tác này. Công tác triển khai các nội dung theo kế hoạch bảo đảm các yêu cầu về thích ứng an toàn với dịch Covid-19 trong điều kiện mới, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp du lịch khắc phục các khó khăn, hạn chế và phục hồi do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Nguồn: TBKTVN