TP.HCM: Gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp đã giải ngân gần 83%

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, tính đến hết tháng 6/2023, gói tín dụng ưu đãi do 20 tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đăng ký từ đầu năm theo kế hoạch của chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đã giải ngân được gần 82,8%.

Cụ thể, trong tổng số tiền đăng ký 453.070 tỷ đồng, tính đến hết tháng 6/2023, đã giải ngân đạt 375.233 tỷ đồng.

“Đây là kết quả rất tích cực, bởi đây là gói tín dụng ưu đãi về vốn, về lãi suất, về cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; về cải cách thủ tục hành chính… và tập trung vào nhóm ngành lĩnh vực làm động lực tăng trưởng kinh tế: xuất khẩu; nông nghiệp nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, ông Lệnh nói.

Tại Hội nghị đối thoại và kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình và quận Tân Phú tổ chức vào ngày 11/7 vừa qua, nhiều ngân hàng đã ký kết hợp đồng tín dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất phù hợp, phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh năm 2023.

Theo đó, từ nay đến ngày 30/8/2023, Vietbank triển khai gói cho vay ưu đãi 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất từ 8,9%/năm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn và ổn định hoạt động. Bên cạnh đó, Vietbank cũng đang triển khai sản phẩm “Cho vay siêu tốc VB Super” với hạn mức cấp tín dụng lên đến 10 tỷ đồng; đồng thời ngân hàng này cũng xây dựng sản phẩm tái cấp vốn nhanh dành cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ với thời gian phê duyệt nhanh, quy trình đơn giản.

Dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2022 và tăng 7,1% so với cùng kỳ. 

Với Sacombank, ngân hàng này đang triển khai gói ưu đãi phục vụ đời sống và sản xuất kinh doanh dành cho khách hàng cá nhân lên đến 15.000 tỷ đồng. Khách hàng có thể vay cho mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm sản xuất nông nghiệp) với mức lãi suất thấp chỉ từ 8%/năm. Với mục đích vay phục vụ đời sống (mua, xây sửa nhà cửa, đất đai, tiêu dùng), khách hàng có thể hưởng mức lãi suất ưu đãi từ 9,5%/năm. Chương trình áp dụng đến hết ngày 31/12/2023.

Tương tự, ngân hàng OCB cũng đang triển khai ưu đãi lãi suất vay vốn chỉ từ 7,99%/năm dành cho doanh nghiệp SME. Chương trình được triển khai đến hết 31/12/2023 hoặc đến khi hết doanh số giải ngân, áp dụng cho cả khách hàng mới và hiện hữu. Và nhiều ngân hàng khác như ACB, SHB, ShinhanBank... cũng triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất vay để kích cầu.

Trên cơ sở kết quả đạt được, trong 6 tháng cuối năm 2023, ngành Ngân hàng TP.HCM xác định tiếp tục thực hiện các giải pháp và hành động quyết liệt hơn nữa để phát huy hiệu quả chương trình, đồng thời đưa cơ chế chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng trung ương đi vào thực tế cuộc sống hiệu quả: nhanh chóng, kịp thời, hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo ông Lệnh, các tổ chức tín dụng cần tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất của Ngân hàng trung ương, các chương trình tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; đồng thời chủ động giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, phù hợp khả năng tài chính của mỗi tổ chức tín dụng để hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời cho doanh nghiệp.

Tiếp tục phát huy vai trò chủ động của các quận, huyện và hiệu quả công tác phối hợp ba bên: Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, Hiệp hội doanh nghiệp thành phố (HUBA) và sở Công Thương thành phố để kịp thời nắm bắt thông tin doanh nghiệp; khó khăn của doanh nghiệp để xử lý và hỗ trợ kịp thời.

“Về mặt thời điểm, về bối cảnh việc hỗ trợ này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp doanh nghiệp có điều kiện phục hồi và tăng trưởng, qua đó tác động tích cực trở lại đối với hoạt động ngân hàng”, ông Lệnh nhấn mạnh.

Nguồn: TBKTVN