TP.HCM hợp nhất: Tầm nhìn thu hút đầu tư của siêu đô thị

Quyết định số 1125/QĐ-TTg về điều chỉnh quy hoạch chung cho TP.HCM cũ (diện tích 2.095 km2, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 11,0 - 13,7 triệu người) được ký ngày 11/6/2025 thì một ngày sau, ngày 12/6/2025, Quốc Hội có nghị quyết 202/2025/QH15 sắp xếp TP.HCM mới bao gồm TP.HCM cũ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương với diện tích 6.772,95 km2 quy mô dân số 14.002.958 người. Ngày 25/6, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị công bố Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Tại Hội nghị trên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 là cơ sở quan trọng để lập ngay các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, kịp thời phục vụ công tác quản lý và tiếp nhận, chấp thuận đầu tư. Đồng thời sẽ là nền tảng cho việc lập quy hoạch TP.HCM hợp nhất ngay khi TP.HCM cùng cả nước chuẩn bị việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính và tập trung toàn lực để bắt tay vào quy trình vận hành, phát triển một TP.HCM mới hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Với TP.HCM mới hợp nhất, một siêu đô thị đa trung tâm đã thành hình. TP.HCM mới sẽ thu hút đầu tư với tầm nhìn của một siêu đô thị cùng các động lực phát triển mới, là nơi hội tụ các ngành công nghiệp chủ lực, tài chính, công nghệ cao và logistics.

Trước đó, ngày 17/6, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Tầm nhìn quy hoạch và các động lực phát triển kinh tế của TP.HCM mới”.

GS.TS. Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, “TP.HCM mới được kỳ vọng trở thành siêu đô thị đa trung tâm, một cực tăng trưởng vượt trội, trung tâm kinh tế - tài chính - khoa học công nghệ - logistics thông minh hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Để hiện thực tầm nhìn này, chúng ta cần một chiến lược quy hoạch bài bản, dài hạn, cùng với sự tham gia đồng hành của giới chuyên gia, học thuật và cộng đồng trong việc kiến tạo giải pháp, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm để xây dựng một thành phố hiện đại, đáng sống trong thời đại chuyển đổi số và phát triển bền vững”, GS Sử Đình Thành chia sẻ.

Thông tin trong hội thảo, TS. Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), cho hay TP.HCM sau hợp nhất có diện tích 6.722 km2, dân số hơn 14 triệu người với 168 đơn vị hành chính cấp xã; thu ngân sách ước tính 25% tổng thu cả nước và tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt gần 2,4 triệu tỉ đồng.

Trong khi đó, TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết trên cơ sở dữ liệu hiện có, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM sẽ rà soát, xác định dự án thực sự cấp thiết, không thể trì hoãn.

“Thành phố đang nghiên cứu mô hình liên minh nhà đầu tư, trong đó có vai trò lớn từ các doanh nghiệp dân tộc - tức là doanh nghiệp Việt có tâm huyết, có khả năng và có cam kết phát triển lâu dài với đất nước. Như các tuyến metro, nếu có cơ chế phù hợp, hoàn toàn có thể giao cho các nhà đầu tư tư nhân hoặc liên danh để thực hiện. TP.HCM hợp nhất là siêu đô thị toàn cầu và phát triển đa trung tâm. Về quy hoạch, TP.HCM gồm 1 đô thị hiện hữu, 3 đô thị vệ tinh và 8 đô thị hỗ trợ”, TS. Trương Minh Huy Vũ thông tin.

Chính sách thu hút đầu tư của TP.HCM sau khi điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn 2060 và sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu được định hình nhằm tận dụng tối đa tiềm năng của siêu đô thị mới, với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - công nghệ - logistics thông minh hàng đầu Đông Nam Á.

Có thể kể một số định hướng chính như sau:

Về đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm, TP.HCM mới ưu tiên hoàn thiện các dự án hạ tầng lớn dự kiến hoàn thành trước cuối năm 2025, như nút giao Tân Vạn, Vành đai 3, cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành. Các tuyến metro kéo dài đến Bình Dương, Đồng Nai và sân bay Long Thành cũng được đẩy mạnh, tạo mạng lưới kết nối liên hoàn.

Về phát triển đường sắt đô thị, TP.HCM rà soát quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị, khuyến khích mô hình đầu tư tư nhân (PPP) và quỹ đầu tư riêng, nhằm huy động vốn ngoài ngân sách. Các cơ chế đặc thù được áp dụng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội.

Về Logistics và cảng biển, tận dụng cảng Cái Mép - Thị Vải và hệ thống cảng vệ tinh, TP.HCM định hướng phát triển khu thương mại tự do gắn với cảng biển, hình thành vành đai công nghiệp - đô thị lớn nhất cả nước.

Về phân vai chiến lược, TP.HCM định vị là trung tâm kinh tế - tài chính - công nghệ cao, Bình Dương là thủ phủ công nghiệp 4.0 và Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ logistics và kinh tế biển. Sự phân công này tạo hệ sinh thái kinh tế bổ trợ, thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Trong chiến lược phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo,  TP. Thủ Đức được định hướng là hạt nhân kinh tế số, tập trung vào trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và thương mại điện tử, thu hút các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch, với các dự án như bản đồ thực tế ảo 360o và ứng dụng công nghệ tại các điểm du lịch. Bình Dương chuyển đổi từ công nghiệp truyền thống sang công nghiệp 4.0, với các KCN thế hệ mới và đô thị - công nghiệp - dịch vụ sinh thái.

Chính sách thu hút đầu tư của TP.HCM mới sau sáp nhập và điều chỉnh quy hoạch tập trung vào hạ tầng liên vùng, ưu đãi thuế - đất đai, phát triển công nghệ, và đô thị hóa bền vững. Với vai trò đầu tàu kinh tế, TP.HCM tận dụng lợi thế từ Bình Dương (công nghiệp) và Bà Rịa - Vũng Tàu (logistics, du lịch) để tạo hệ sinh thái kinh tế mạnh mẽ, thu hút FDI và phát triển bất động sản. Tuy nhiên, việc quản trị siêu đô thị và đồng bộ hóa quy hoạch là thách thức cần giải quyết để hiện thực hóa tầm nhìn 2060.

(Nguồn: Tổng hợp)