TP.HCM tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng

Báo cáo vừa công bố của Cục Thống kê TP.HCM đã nhấn mạnh đến những khó khăn mà kinh tế TP.HCM đang phải tập trung tháo gỡ, nhất là cho các doanh nghiệp do thị trường xuất nhập khẩu, nhất là vấn đề an ninh lương thực toàn cầu đang bị đe dọa.

CÔNG NGHIỆP PHỤC HỒI NHƯNG TĂNG TRƯỞNG CHƯA CAO
Theo đánh giá của Cục Thống kê TP.HCM, hiện nay kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định. Khủng hoảng Nga - Ukraine leo thang sang giai đoạn mới, không có dấu hiệu dừng lại, dẫn đến đe doạ an ninh lương thực toàn cầu.

Đứng trước tình hình đó, lãnh đạo Thành phố đã tập trung tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công và kích cầu tiêu dùng nội địa đồng thời triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách được quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Công nghiệp TP.HCM tiếp tục phục hồi, mặc dù tăng trưởng công nghiệp còn chưa cao khi đã kết thúc tháng đầu tiên của quý III. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 ước tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 6,5% so cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 0,9% so tháng trước và tăng 17,7% so cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,0% so tháng trước và tăng 6,5% so cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện giảm 0,4% so với tháng trước nhưng tăng 7,9% so cùng kỳ; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 0,6% so tháng trước nhưng tăng 1,5% so cùng kỳ.

Tính lũy kế 7 tháng đầu năm, IIP tăng 2,4% so cùng kỳ. Chia ra như sau: Ngành khai khoáng tăng 1,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 4,4%.

Riêng đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2023 tăng 5,4% so cùng kỳ. Trong đó, ngành hóa dược tăng 17,3%; ngành cơ khí tăng 6,5%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 4,2%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 5,8%.

Cục Thống kê TP.HCM cũng ghi nhận một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong  7 tháng đầu năm 2023 tăng cao so cùng kỳ năm 2022. Cụ thể đó là: Sữa hoặc kem đặc có/không có đường tăng 22,2%; phân khoáng/phân hóa học tăng 20,8%; Tivi tăng 11,7%. Ngược lại cũng ghi nhận một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh so cùng kỳ, như: Xi măng giảm 21,7%; bia chai, bia lon giảm 21,5%; sắt thép các loại giảm 12,7%; giày dép thể thao giảm 10,0%...

Một điểm đáng lưu ý, đó là chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7/2023 ước tính tăng 2,7% so tháng trước và tăng 1,1% so cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực về sự phục hồi của ngành công nghiệp TP.HCM. Tính chung 7 tháng, ghi nhận chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp giảm 1,9% so cùng kỳ năm 2022.

TP.HCM tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đơn hàng giảm, chi phí tăng, vay vốn ngân hàng...

TP.HCM tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đơn hàng giảm, chi phí tăng, vay vốn ngân hàng...

Tương ứng với chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp giảm là chỉ số tồn kho ngành công nghiệp tăng. Cụ thể chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 7/2023 ước tính tăng 5,5% so tháng trước và tăng 10,3% so cùng kỳ. Xét theo ngành công nghiệp cấp II thì đến 15 ngành có chỉ số tồn kho tăng trong khi 8 ngành có chỉ số tồn kho giảm.

THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ NHỘN NHỊP, KÍCH CẦU TIÊU DÙNG TĂNG
Tháng 7 là tháng hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục diễn ra khá nhộ nhịp với hàng loạt chương trình khuyến mãi nhằm góp phần tăng tổng cầu, kích thích sức mua của người dân.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2023 dự ước đạt 103.857 tỷ đồng, tăng 4,3% so tháng trước và tăng 11,7% so cùng kỳ. Tính tổng cả 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 660.011 tỷ đồng và tăng 6,9% so cùng kỳ 2022.

So với tháng 7 năm ngoái, các nhóm hàng tăng khá (trên 10%) bao gồm: Lương thực, thực phẩm tăng 20,6%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 11,9%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 26,7%; ô tô tăng 41,0%; xăng, dầu tăng 19,7%; đá quý, kim loại tăng 37,7%; dịch vụ sửa chữa xe tăng 77,4%. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023 ước tính doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 391.472 tỷ đồng và tăng 8,7% so cùng kỳ.

Đây là những con số tăng ấn tượng cho thấy người dân đã mạnh tay tăng chi tiêu, mua sắm gia đình, góp phần kích cầu nền kinh tế thành phố nói chung. Tỷ lệ tăng này sẽ có xu hướng gia tăng vào các tháng kế tiếp từ nay đến cuối năm do các chương trình khuyến mãi tiếp tục duy trì, các chương trình khuyến mãi mới, dịp “black friday”,…

Các chương trình khuyến mãi, giảm giá của Thành phố đã giúp gia tăng mua sắm, kích cầu tiêu dùng của người dân. Ảnh: Thanh Tân.

Các chương trình khuyến mãi, giảm giá của Thành phố đã giúp gia tăng mua sắm, kích cầu tiêu dùng của người dân. Ảnh: Thanh Tân.

Tăng khá cùng với bán lẻ hàng hóa là lưu trú và ăn uống. Ước tính 7 tháng đầu năm 2023, doanh thu lưu trú và ăn uống đạt 60.682 tỷ đồng, tăng 36,3% so cùng kỳ năm 2022. Chia ra: Doanh thu lưu trú tăng 42,1%, doanh thu ăn uống tăng 35,7%. Hai hoạt động này có mức tăng khá là do TP.HCM đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá kết hợp với triển khai các phẩm du lịch mới, đặc trưng ở từng quận, huyện để thu hút du khách.

Cục Thống kê TP.HCM cũng ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,15% so tháng trước. Trong đó, ngoài 3/11 nhóm hàng hóa giảm là dịch vụ bưu chính viễn thông (-0,28%), nhà ở và vật liệu xây dựng (-0,18%), giáo dục (-0,01%), nhóm thuốc và dịch vụ y tế không có biến động thì có đến 7/11 nhóm tăng so với tháng trước, tăng cao nhất là nhóm hàng hoá và dịch vụ khác (+1,01%).

Tính bình quân chung 7 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,50% so cùng kỳ (bình quân 7 tháng đầu năm 2022 tăng 2,12%). Trừ nhóm giao thông giảm (-5,34%) và bưu chính viễn thông giảm (-0,75%), 9 nhóm còn lại đều tăng, trong đó các nhóm tăng cao gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,18%, đồ uống và thuốc lá tăng 4,48%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,64%, văn hóa giải trí tăng 4,60% và giáo dục tăng 15,26%.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm 2023 ước thực hiện 268.316 tỷ đồng, đạt 57,1% dự toán và giảm 6,1% so với cùng kỳ. Cụ thể, thu nội địa ước thực hiện 180.389 tỷ đồng, đạt 58,6% dự toán, chiếm 67,2% tổng thu cân đối và giảm 3,0% so cùng kỳ. Gồm: Thu từ doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 17.121 tỷ đồng, đạt 55,0% dự toán, chiếm 6,4% tổng thu và giảm 8,6%; thu từ khu vực kinh tế tư nhân ước thực hiện 56.896 tỷ đồng, đạt 65,3% dự toán, chiếm 21,2% tổng thu và tăng 11,2%; thu từ khu vực FDI ước thực hiện 44.404 tỷ đồng, đạt 65,3% dự toán, chiếm 16,6% tổng thu và tăng 1,6%. (Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM).

Nguồn: TBKTVN