Trung Quốc đang là "ẩn số" với lạm phát toàn cầu

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là một sự thúc đẩy đáng hoan nghênh đối với tăng trưởng toàn cầu, bù đắp cho nền kinh tế giảm tốc ở châu Âu và suy thoái sắp diễn ra ở Mỹ.

Nhưng không giống như năm 2009, khi Trung Quốc ban hành gói kích thích trị giá 4 nghìn tỉ nhân dân tệ nhằm khắc phục hệ quả mà vụ sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers để lại. Ở năm 2023, quốc gia này đang ít nhiều thúc đẩy lạm phát toàn cầu trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang và các Ngân hàng Trung ương trên thế giới chạy đua để kiểm soát nó.

Bloomberg Economics dự báo GDP của Trung Quốc sẽ tăng tốc từ 3% vào năm 2022 lên 5,8% vào năm 2023. Theo cơ quan này, mối quan hệ giữa tăng trưởng của Trung Quốc, giá năng lượng và lạm phát toàn cầu cho thấy giá tiêu dùng có thể bị đẩy lên gần 1 điểm phần trăm trong quý IV/2023. Nếu Trung Quốc vượt trội hơn, với mức tăng trưởng chạm 6,7%, thì mức tăng sẽ gần 2 điểm phần trăm.

Trong bối cảnh lạm phát tiêu dùng gần đây chạm mức 9,1% ở Mỹ và 10,6% ở khu vực đồng euro, chỉ số lạm phát mà Bloomberg đưa ra là không nhiều. Tuy nhiên, nếu sự phục hồi của Trung Quốc giữ cho lạm phát của Mỹ ở mức khoảng 5% trong quý II, thì tình hình sẽ khác đi nhiều.

 

Đối với phần còn lại của thế giới, Trung Quốc mở cửa đồng nghĩa với nhu cầu tiêu dùng tăng thêm 500 tỉ USD - tương đương với việc nền kinh tế toàn cầu có thêm sức tiêu dùng của 1 Nigeria thứ 2. Hiện tại, dự đoán này đang nâng đỡ thị trường hàng hóa, khi các ngành dịch vụ và bán lẻ chuẩn bị cho sự trở lại của người tiêu dùng Trung Quốc.

Giá đồng đã tăng trên 9.000 USD/tấn và mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc được dự báo sẽ đạt kỷ lục trong năm nay. Air New Zealand đang bổ sung các chuyến bay đến Thượng Hải. Cổ phiếu của công ty hàng xa xỉ LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton đã tăng giá, và Swatch Group cho biết có thể đạt doanh thu kỷ lục khi Trung Quốc phục hồi. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại thậm chí còn được cho là sẽ rút ngắn thời kỳ  suy thoái của Vương quốc Anh khi khách du lịch chi tiêu cao quay trở lại.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh hiện đã tập trung vào việc khôi phục tăng trưởng, tạo điều kiện cho các công ty phát triển bất động sản (BĐS) và người mua nhà. Bloomberg Economics dự đoán đầu tư vào BĐS sẽ giảm 3%, tác động lên nền kinh tế sẽ nhỏ hơn nhiều so với năm 2022.

Nói đến lĩnh vực BĐS, Bắc Kinh đã quyết định theo đuổi nhu cầu ngắn hạn là khôi phục tăng trưởng hơn là mục tiêu dài hạn - kiềm chế sức mạnh của các tập đoàn khổng lồ.

“Nếu của cải không tăng lên, sự thịnh vượng chung sẽ trở thành dòng sông không có nguồn hoặc cây không có gốc,” Phó Thủ tướng Lưu Hạc phát biểu khi xuất hiện tại Davos để cam kết hỗ trợ cho các doanh nhân. Trước động thái thay đổi, cổ phiếu của các công ty công nghệ vốn cũng bị đàn áp đã phục hồi tương đối.

Những thay đổi đó là lý do tại sao triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc đột nhiên được cải thiện và tại sao các nhà hoạch định chính sách đang đặt câu hỏi về ý nghĩa của lạm phát.

Áp lực giá từ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ truyền qua hai kênh.

Đầu tiên, có nguy cơ một cú sốc nguồn cung sẽ xảy ra khi làn sóng lây nhiễm Covid dẫn đến công nhân nghỉ việc và các nhà máy phải vật lộn để duy trì hoạt động. 

Kênh thứ hai sẽ là một cú sốc về nhu cầu khi cuộc sống bình thường tiếp tục và hoạt động mua bán tăng lên. Nhập khẩu dầu của Trung Quốc đã giảm do đại dịch. Giờ đây nhu cầu dự kiến tăng mạnh mẽ hơn khi đường cao tốc, nhà ga và sân bay được lấp đầy, thúc đẩy giá dầu từ mức đáy 76 USD/thùng vào đầu tháng 12 lên khoảng 86 USD vào cuối tháng 1. Nhà phân tích hàng hóa kỳ cựu của Goldman Sachs, ông Jeff Currie cho biết dầu có thể tăng tới 105 USD hoặc cao hơn. 

 

Tổng hợp lại, những cú sốc kể trên có thể cộng thêm gần 1 điểm phần trăm vào lạm phát toàn cầu vào cuối năm 2023, so với kịch bản Trung Quốc tiếp tục phong tỏa. Bloomberg Economics dự kiến mức tăng đối với lạm phát ở Mỹ, khu vực đồng euro và Vương quốc Anh sẽ ở khoảng 0,7 điểm phần trăm — nhỏ hơn so với tác động toàn cầu nhưng vẫn đủ để giữ Fed, ECB và Ngân hàng Anh ở chế độ thắt chặt lâu hơn thị trường dự kiến.

Sự bất ổn định xoay quanh quỹ đạo phục hồi của Trung Quốc và các động lực khác vẫn đang ảnh hưởng đáng kể đến giá cả toàn cầu. Trở lại những ngày đen tối của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, gói kích thích của Trung Quốc là một điều tích cực đối với phần còn lại của thế giới. Nhưng vào năm 2023, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc hứa hẹn là may rủi lẫn lộn.

Nguồn: Nhipcaudautu