Trung Quốc chật vật giữ chân nhà đầu tư nước ngoài

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đang chật vật thu hút doanh nghiệp và vốn đầu tư nước ngoài, cho dù Bắc Kinh đã triển khai nhiều nỗ lực để giải quyết các thách thức kinh tế.

Một thước đo về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đã rơi vào trạng thái giảm lần đầu tiên kể từ năm 1998, cho thấy nước này đang không thể ngăn được dòng vốn chảy đi.

Hãng tin CNN dẫn số liệu do Cơ quan Quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) công bố hôm thứ Sáu vừa rồi cho thấy nghĩa vụ đầu tư trực tiếp - một thước đo về vốn FDI - đứng ở mức âm 11,8 tỷ USD trong quý 3. Cùng kỳ năm ngoái, nghĩa vụ đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đứng ở mức dương 14,1 tỷ USD.

Đây là lần đầu tiên thước đo này chuyển sang trạng thái âm trong 25 năm qua, kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi lại - theo công ty dữ liệu Refinitiv Eikon. Điều này cho thấy các công ty nước ngoài có thể đang rút tiền khỏi Trung Quốc, thay vì tái đầu tư vào hoạt động sản xuất-kinh doanh tại nước này.

Dữ liệu mà SAFE đưa ra được tổ chức bằng cách phân loại mỗi khoản đầu tư là một tài sản hay một nghĩa vụ nợ đối với Trung Quốc. Nghĩa vụ đầu tư trực tiếp bao gồm lợi nhuận thuộc về các công ty nước ngoài chưa được chuyển về nước hoặc chia cho cổ đông, cũng như đầu tư nước ngoài vào các định chế tài chính - theo định nghĩa của Chính phủ Trung Quốc.

Thước đo chính về vốn FDI của Trung Quốc, do Bộ Thương mại nước này công bố, cho thấy mức giảm 8,4% trong 9 tháng đầu năm nay, tăng tốc từ cú giảm 5,1% ghi nhận trong 8 tháng đầu năm.

Căng thẳng địa chính trị gia tăng là một phần nguyên nhân khiến dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài còn lo ngại về những rủi ro gia tăng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bao gồm khả năng bị nhà chức trách bất ngờ tiến hành khám xét hoặc bắt giữ.

Công ty quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới Vanguard là doanh nghiệp nước ngoài mới nhất rút khỏi Trung Quốc. Ngày 6/11, Vanguard nói với CNN rằng công ty dự kiến đóng cửa văn phòng tại Thượng Hải sau tháng 12 năm nay. Tháng trước, Vanguard đã bán lại cổ phần trong liên doanh tại Trung Quốc cho đối tác địa phương là Ant Group - và động thái này là một phần trong kế hoạch rút lui. Vanguard cũng xác nhận đã ký thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 10 người, tất cả đều là nhân viên còn lại tại văn phòng Thượng Hải.

Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực để đảo ngược dòng vốn chảy khỏi nước này trong bối cảnh thách thức kinh tế gia tăng. Nhưng những nỗ lực như vậy dường như chưa đủ để trấn an nhà đầu tư.

Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE) - một sự kiện được tổ chức thường niên từ năm 2018 để chứng minh Trung Quốc là một thị trường mở và nhằm tăng cường quan hệ thương mại - đã khởi động vào cuối tuần vừa rồi.

Tuy nhiên, Hội đồng Thương mại Liên minh châu Âu (EuroCham) tại Trung Quốc chỉ trích rằng sự kiện này chỉ mang tính hình thức chứ không thực chất. “Doanh nghiệp châu Âu đang giảm dần ảo tưởng, vì những hành động mang tính tượng trưng đang thay thế cho những kết quả cụ thể - điều cần thiết để phục hồi niềm tin kinh doanh”, Hội đồng nói trong một tuyên bố vào hôm thứ Sáu.

“CIIE ban đầu có mục đích để thể hiện rằng Trung Quốc đang mở rộng cánh cửa và có một chương trình cải cách. Nhưng từ đó đến nay, sự kiện này không mang lại những kết quả thiết thực”, Phó chủ tịch Carlo D’Andrea của EuroCham tại Trung Quốc nói trong tuyên bố.

Các nỗ lực khác của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiện cũng chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Tháng trước, Quốc hội nước này phê chuẩn một kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 137 tỷ USD, để kích cầu. Theo đó, số tiền huy động được sẽ chủ yếu được rót vào các dự án cơ sở hạ tầng.

Quỹ đầu tư quốc gia của Trung Quốc trong tháng 10 đã mua vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước - một trong những thị trường chứng khoán lớn giảm điểm mạnh nhất thế giới trong năm nay - để hãm đà giảm của giá cổ phiếu.

Trước đó, hồi tháng 9, Chính phủ Trung Quốc nới kiểm soát vốn tại hai thành phố lớn nhất nước này là Bắc Kinh và Thượng Hải, cho phép nhà người nước ngoài tự do chuyển tiền ra vào Trung Quốc tại hai thành phố.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng đã gặp gỡ một số doanh nghiệp lớn của phương Tây vào tháng trước, bao gồm JPMorgan Chase, Tesla và HSBC, cam kết sẽ tiếp tục mở cửa ngành tài chính và tối ưu hoá môi trường hoạt động cho doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên theo giới phân tích, nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn lo lắng về việc Trung Quốc tăng cường giám sát doanh nghiệp phương Tây, cũng như sự giảm tốc mang tính cấu trúc của nền kinh tế nước này. Một cuộc khảo sát hồi tháng 9 do Hội đồng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Thượng Hải tiến hành cho thấy chỉ 25% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ lạc quan về triển vọng kinh doanh ở Trung Quốc trong 5 năm tới, tỷ lệ thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát được tổ chức lần đầu vào năm 1999, so với mức 55% vào năm 2022 và 78% vào năm 2021.

Nguồn: TBKTVN