Trung tâm dữ liệu thị trường Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng

Trung tâm dữ liệu có thể xem như một phòng máy tính, chuyên lưu trữ các máy chủ và tài nguyên công nghệ thông tin mật độ cao. Trung tâm dữ liệu có nhiệm vụ vận hành và quản lý máy chủ của toàn hệ thống, cung cấp chức năng xử lý, lưu trữ thông tin ổn định và nhanh chóng. 

Số liệu từ báo cáo của Công ty Chứng khoán MB (MBS), Việt Nam hiện chỉ có gần 30 trung tâm dữ liệu, chiếm chưa đến 1% số lượng trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới. Dung lượng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam còn nhỏ so với các đối thủ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Theo MBS, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam chủ yếu là “sân chơi” của các doanh nghiệp trong nước, với 97% trung tâm dữ liệu cả nước được sở hữu bởi 4 công ty: Viettel, VNPT, FPT và CMG. 

 

“Chúng tôi kỳ vọng rằng Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố để thúc đẩy thị trường trung tâm dữ liệu, như thị trường lao động rẻ, lực lượng lao động công nghệ dồi dào, chi phí xây dựng và giá thuê thấp hơn”, MBS nhận định. 

Ngoài ra, tổ chức này cho rằng việc Chính phủ Việt Nam thúc đẩy số hóa đã tăng đáng kể nhu cầu về trung tâm dữ liệu trên cả nước. Hơn nữa, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam được thúc đẩy bởi sự chuyển dịch dữ liệu doanh nghiệp sang nền tảng đám mây. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng việc áp dụng các giải pháp lưu trữ dữ liệu nên có thể sẽ tác động tích cực đến sự tăng trưởng của thị trường trung tâm dữ liệu. Ngoài ra, việc sử dụng ngày càng phổ biến A.I tạo sinh (genAI), big data, IoT và các giải pháp dựa trên đám mây cùng nhiều giải pháp khác dự kiến thúc đẩy tăng trưởng thị trường trung tâm dữ liệu trong giai đoạn 2024-2025.

 

Thị trường trung tâm dữ liệu ở Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn 2022-2023 do các doanh nghiệp và tổ chức có xu hướng tối ưu hóa chi phí do điều kiện kinh tế không thuận lợi. Tuy nhiên, MBS đánh giá xu hướng này chỉ mang tính ngắn hạn. 

Năm 2024, các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam như Viettel, CMC, FPT tích cực đầu tư vào các trung tâm dữ liệu mới và nâng cấp các trung tâm hiện có để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. MBS kỳ vọng thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2024-2025, nhờ sự ra đời của nhiều trung tâm dữ liệu mới từ các nhà cung cấp lớn như FPT, Viettel và VNG. 

Theo Blueweave Consulting, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đạt 557 triệu USD vào năm 2022 và được dự báo có mức CAGR 10,8% cho đến năm 2029, đạt 1,14 tỉ USD. Theo quan điểm của MBS, với điều kiện kinh tế - xã hội ổn định và tần suất xảy ra thiên tai thấp, Việt Nam có đủ yếu tố cần thiết để trở thành thị trường trung tâm dữ liệu lớn trong khu vực.

Nguồn: Nhipcaudautu