Vận tải đường bộ tiếp tục mở rộng vị thế ở Đông Nam Á

"Với sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng và các công ty Trung Quốc đang vươn ra toàn cầu, Việt Nam có vị trí chiến lược để tận dụng cơ hội", ông Laurence Cheung, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, DHL Global Forwarding cho biết.

Theo IHS Markit và UN Comtrade, Việt Nam đang nổi lên là quốc gia dẫn đầu trong việc tái triển khai hoạt động sản xuất với kim ngạch xuất khẩu tăng trong các lĩnh vực như sản xuất, công nghệ, thời trang và bán lẻ.

Tính đến tháng 9/2024, Việt Nam đã thu hút hơn 24 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Singapore và Trung Quốc là hai nhà đầu tư hàng đầu.

Ngoài Việt Nam, các quốc gia như Thái Lan, Malaysia và Singapore sẽ được hưởng lợi nhờ các phương án kết nối linh hoạt thông qua đường bộ, đường hàng không hoặc đường biển. Các quốc gia này cũng có thỏa thuận thương mại thuận lợi với nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu.

Số hóa và cải thiện cơ sở hạ tầng để thúc đẩy vận tải đường bộ

Việc xây dựng chuỗi cung ứng bền bỉ đang ngày càng trở nên quan trọng hơn, với những đòi hỏi về sự linh hoạt và minh bạch về khả năng hiển thị theo thời gian thực và thông tin chi tiết về tình trạng lô hàng cũng như tình trạng đường đi, trong bối cảnh lo ngại về an ninh, độ an toàn và ổn định. Các mạng di động tiên tiến của Đông Nam Á đã cho phép giám sát vận chuyển hàng hóa đường bộ theo thời gian thực thông qua cảm biến và thiết bị GPS, cung cấp cho khách hàng những dự đoán chính xác về vị trí hàng hóa và thời gian đến.

 

Trong khi các công ty toàn cầu đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, nhiều công ty Trung Quốc cũng đang mở rộng cơ sở sản xuất của họ vào ASEAN. Theo báo cáo của McKinsey, đầu tư của Trung Quốc vào Đông Nam Á trong năm 2023 đã đạt 24 tỉ đô la Mỹ. Những khoản đầu tư này nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực trong vai trò trung tâm sản xuất toàn cầu, đặc biệt là với các thị trường như Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan. Các quốc gia này đã công bố hoặc thực hiện những cải cách hoặc mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông vốn thiết yếu với ngành logistics.

Tại Việt Nam, Chính phủ đang đặt mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc vào năm 2025. Khoảng 1.000km đường cao tốc trải dài qua 15 tỉnh, thành phố đã được hoàn thành cho đến nay, nâng tổng chiều dài các tuyến đường này lên gần 2.100km.

Trong khu vực, Lào đã mở tuyến đường sắt mới nối Viêng Chăn với Côn Minh ở Trung Quốc vào năm 2021. Tại Thái Lan, DHL đã mở Trung tâm Vận chuyển Đa phương thức Quốc tế DHL mới tại Free Zone 3 của Sân bay Suvarnabhumi, giúp việc vận chuyển hàng hóa vào, ra và qua Thái Lan dễ dàng hơn với nhiều phương thức vận chuyển khác nhau.

Ông Bruno Selmoni, Phó Chủ tịch, Trưởng Bộ phận Vận tải Đường Bộ và Liên Vận, Đông Nam Á, DHL Global Forwarding cho biết: "Những khoản đầu tư vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng đường sắt hoặc đường bộ ở Đông Nam Á sẽ khiến việc vận chuyển từ Trung Quốc vào Đông Nam Á rẻ hơn và nhanh hơn so với đường hàng không. Vận tải đường bộ đóng vai trò quan trọng như một giải pháp độc lập cũng như giải pháp đa phương thức. Vận chuyển hàng hóa thông qua kết hợp nhiều phương thức vận tải có thể dẫn đến thời gian giao hàng tận nơi Door-to-Door (DTD) nhanh hơn so với vận tải đường biển, với chi phí thấp hơn đáng kể so với vận tải hàng không.”

các sáng kiến của chính phủ ASEAN đã góp phần tối ưu việc vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới.

Các sáng kiến của chính phủ ASEAN đã góp phần tối ưu việc vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới.

Tối ưu hóa vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới thông qua chính sách

Theo báo cáo, các sáng kiến của chính phủ ASEAN đã góp phần tối ưu việc vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới. Những quốc gia trong khu vực cũng đang cố gắng giải quyết các vấn đề biên giới, hợp tác cải thiện cơ sở hạ tầng và tối ưu hóa các thủ tục.

Những sáng kiến như Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN, ACTS, nhằm mục đích cải thiện các quy trình và giảm bớt giấy tờ thủ tục. Cơ quan Hải quan của tất cả mười quốc gia thành viên ASEAN đã cùng nhau thông qua Hiệp định khung về Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau của ASEAN (AAMRA) vào năm 2023. Thỏa thuận này thiết lập một môi trường giao dịch nhất quán và minh bạch trong các quốc gia thành viên. AAMRA đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận với Khung SAFE của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), đảm bảo thông quan hàng hóa nhanh chóng và ưu tiên xử lý cho các AEO được chứng nhận trong ASEAN.

Ngoài các thỏa thuận khu vực, các quốc gia ASEAN cũng đã thực hiện nhiều chính sách độc lập để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới. Ví dụ, Campuchia và Việt Nam đã hợp tác để thêm các làn đường vào một trạm kiểm soát thường xuyên tắc nghẽn.

Tăng cường chuyển dịch sang vận tải đường bộ bền vững ở Châu Á

Theo báo cáo của Công ty Dữ liệu Quốc tế (IDC), 45% các tổ chức có trụ sở tại Châu Á sẽ triển khai tích hợp tính bền vững vào chuỗi cung ứng vào năm 2026. Vận tải hàng hóa, bao gồm xe tải, máy bay, tàu thủy và tàu hỏa, đóng góp khoảng 8% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.

Việc thúc đẩy phát triển vận tải đường bộ bền vững hơn là rất cần thiết, song vẫn còn nhiều thách thức đáng kể ở phía trước. Chiến lược khu vực ASEAN về vận tải đường bộ bền vững đã nêu bật ba hạng mục chính sách và biện pháp vận tải xanh: Tối ưu hóa logistics, chẳng hạn như giảm vận chuyển hàng rỗng hoặc triển khai các trung tâm logistics và trao đổi hàng hóa; Sử dụng vận chuyển đa phương thức như đường sắt hoặc đường thủy; Chuyển đổi xanh xe tải bằng cách cải thiện độ hiệu quả của lốp xe có lực cản lăn thấp hoặc sử dụng nhiên liệu thay thế.

Nguồn: Nhipcaudautu