Việc làm xanh: Lĩnh vực mới đầy triển vọng của châu Á
Trong bối cảnh thế giới ngày càng ưa chuộng các nguồn năng lượng tái tạo và các hoạt động bền vững, một lĩnh vực mới và sôi động đã nổi lên: Việc làm xanh. Các vị trí này trải dài trên nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ năng lượng mặt trời cho đến lâm nghiệp bền vững. Chúng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức cấp bách của biến đổi khí hậu, mà còn là động lực thúc đẩy sự chuyển đổi của lực lượng lao động toàn cầu.
Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế và Tổ chức Lao động Quốc tế, châu Á chiếm ưu thế trong việc tạo ra việc làm bằng năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2021, chiếm 2/3 tổng số việc làm, trong khi Mỹ chiếm 21% và châu Âu chiếm 12%. Đáng chú ý, Trung Quốc chiếm 42% tổng số việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trên toàn cầu, cho thấy vị thế dẫn đầu của khu vực trong lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng.
Dự kiến con số ấn tượng này sẽ tăng theo cấp số nhân trong những năm tới, với việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo được dự đoán vượt qua con số 38 triệu vào năm 2030. Ngành công nghệ quang điện mặt trời dự kiến sử dụng khoảng 4,9 triệu lao động, trong khi năng lượng gió sẽ tạo ra 1,4 triệu việc làm. Các lĩnh vực việc làm xanh quan trọng khác trong khu vực bao gồm điện thủy điện, nhiên liệu sinh học và thị trường năng lượng tái tạo phi tập trung mới nổi.
Quá trình chuyển đổi lực lượng lao động này nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc phát triển lực lượng lao động lành nghề, có khả năng hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của châu Á. Khi nhu cầu về năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và các hoạt động bền vững tiếp tục tăng lên, các nhà tuyển dụng cũng nỗ lực tìm kiếm những người lao động có kỹ năng kỹ thuật chuyên ngành và hiểu biết sâu sắc về quản lý môi trường và tính bền vững.
Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo, đã đầu tư lên đến 546 tỉ USD vào năng lượng sạch vào năm 2022, vượt xa Mỹ. Cam kết này không chỉ tạo ra cơ hội việc làm rộng lớn cho toàn ngành, mà còn thúc đẩy nâng cao kỹ năng, chuyên môn cần thiết để chuyển đổi sang các giải pháp năng lượng bền vững.
Tại Ấn Độ, chính phủ đã ký một biên bản ghi nhớ với Đức để thiết lập các chương trình đào tạo nghề trên toàn quốc về năng lượng tái tạo, công nghệ di động, sử dụng năng lượng hiệu quả và nhiều lĩnh vực khác.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này, giới chuyên môn cho rằng, các tổ chức giáo dục, nhà cung cấp đào tạo và nhà hoạch định chính sách trên khắp châu Á cần hợp tác với phần còn lại của thế giới để phát triển các chương trình phát triển lực lượng lao động toàn diện. Theo đó, những sáng kiến này cần được triển khai trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đào tạo kỹ thuật cho kỹ thuật viên và người lắp đặt năng lượng tái tạo đến các chương trình giáo dục đại học về kỹ thuật, khoa học môi trường và thực hành kinh doanh bền vững.
Theo Giáo sư Syed Munir Khasru, Chủ tịch của Tổ chức tư vấn quốc tế IPAG châu Á - Thái Bình Dương, ở cấp độ giáo dục đại học, các trường đại học trên khắp châu Á đang mở rộng các khóa học và chương trình cấp bằng để phù hợp với các kỹ năng cần thiết trong quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững. Điển hình như tại Nhật, Viện Công nghệ Tokyo đã áp dụng các chương trình kỹ thuật tiên tiến tập trung vào hệ thống năng lượng tái tạo và công nghệ lưới điện thông minh, nhằm chuẩn bị cho thế hệ chuyên gia tiếp theo để thúc đẩy nỗ lực khử carbon của đất nước.
Bên cạnh việc đào tạo kỹ thuật, các cơ hội đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cũng rất quan trọng, đặc biệt đối với những người lao động chuyển từ các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Khi các nền kinh tế châu Á gia tăng quá trình chuyển đổi khỏi than đá và các nguồn carbon khác, chính phủ và người sử dụng lao động đã triển khai các sáng kiến đào tạo lại toàn diện nhằm giúp những người lao động bị mất việc điều chỉnh kỹ năng của họ cho nền kinh tế xanh phát triển.
Chính phủ các quốc gia châu Á đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng việc làm xanh và ủng hộ sự phát triển chất lượng cao của lực lượng lao động trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững. Thông qua các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ và các chính sách có mục tiêu rõ ràng, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đang tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức giáo dục và người lao động để phát triển trong nền kinh tế bền vững.
Ví dụ, chương trình Thỏa thuận xanh mới của Hàn Quốc, trong khuôn khổ của Thỏa thuận xanh mới của nước này, đã cung cấp các khoản tín dụng thuế và trợ cấp đáng kể cho các công ty đầu tư vào việc đào tạo về nghề nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đồng thời, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ ở Đông Nam Á. Tại Philippines chẳng hạn, Bộ Năng lượng đã cung cấp cho các công ty năng lượng một bộ công cụ tích hợp giới để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hệ thống năng lượng tái tạo.
Bằng cách đầu tư vào phát triển lực lượng lao động xanh, các quốc gia châu Á không chỉ có thể giải quyết các vấn đề cấp bách liên quan đến biến đổi khí hậu, mà còn mang lại vô số lợi ích kinh tế. Các công việc này mang lại mức lương cạnh tranh, cơ hội thăng tiến và khả năng dẫn đầu trong cuộc cách mạng năng lượng sạch.
Nền kinh tế xanh có tiềm năng tạo ra nhiều công việc có mức lương cao, tay nghề cao, từ đó hỗ trợ cho các gia đình, củng cố cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững trên khắp châu Á. Tuy nhiên, để nhận ra tiềm năng này, sẽ đòi hỏi sự cùng cố gắng từ các nhà hoạch định chính sách, nhà tuyển dụng, nhà giáo dục và người lao động để xây dựng một lực lượng lao động chuyên nghiệp với kiến thức kỹ thuật và cam kết sâu sắc về quản lý môi trường và trách nhiệm xã hội.
Nguồn: Nhipcaudautu