Việt Nam là một trong 15 nước có dòng thương mại lớn nhất trên thế giới

Chia sẻ tại “Khóa đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, thương mại điện tử và logistics”, bà Phùng Thị Lan Phương, chuyên gia cao cấp Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Tận dụng Hiệp định thương mại tự do KTP, cho rằng Việt Nam là một trong 15 nước có dòng thương mại lớn nhất trên thế giới.

Từ một nước xuất khẩu rất nhỏ, không có mặt trong top 15 đối tác xuất khẩu lớn trên thế giới giai đoạn trước 2013, nhưng đến 2023, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng 15 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Việt Nam được đánh giá là nhân tố bất ngờ của thương mại thế giới.  

Việt Nam là một trong 4 nước bên cạnh Ấn Độ, Canada và Trung Quốc có mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm trung bình giai đoạn 2019-2023 tăng nhanh nhất thế giới. Việt Nam đứng thứ 15 về kim ngạch nhập khẩu lớn nhất thế giới.

Việt Nam là một trong 15 nước có dòng thương mại lớn nhất trên thế giới - Ảnh 1

Có được kết quả trên, theo bà Phương là do sự nỗ lực, quyết tâm hội nhập kinh tế mạnh mẽ kinh tế quốc tế của Chính phủ Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), và là nước mở cửa mạnh nhất trên thế giới với gần 60 đối tác.

Chính việc tham gia các FTA mà Việt Nam đã nâng tầm vị thế của mình, nâng cấp và thay đổi rất nhiều quy định pháp luật trong nước. Cơ hội các FTA mang lại, đó là giúp Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu thông qua việc giảm thuế quan, giảm rào cản thương mại, tiếp cận thị trường đối tác dễ hơn.

"Chúng ta sẵn sàng sử dụng ngoại lực để thúc đẩy cải cách bên trong. Kỳ vọng các FTA chạm đến nhiều lĩnh vực hơn, dù giai đoạn đầu khó khăn, nhưng về lâu dài là việc đổi mới về mọi mặt cho Việt Nam. Bên cạnh đó, FTA là sức hút FDI vào Việt Nam tăng liên tục, tạo việc làm cho người lao động", bà Phương nhấn mạnh.

Điều quan trọng là nhờ các cam kết trong các khuôn khổ FTA liên quan tới minh bạch hoá, đối xử bình đẳng, thuận lợi hoá thủ tục, sở hữu trí tuệ, môi trường… ban đầu gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhưng về lâu dài rất tốt cho doanh nghiệp khi tiêu chuẩn của Việt Nam dần tiệm cận gần với các tiêu chuẩn thế giới.

Không chỉ vậy, các FTA đang giúp Việt Nam xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh, quy định xuất nhập khẩu thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Một số chuyên gia đàm phán nhận định, đây là chúng ta đang sử dụng áp lực bên ngoài từ các cam kết để thúc đẩy cải cách trong nước tốt hơn, tiệm cận với thế giới. Khi đó, hàng hoá của Việt Nam sẽ dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nước ngoài hơn.

Bên cạnh những lợi ích các FTA mang lại, thách thức với doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam khá lớn. Đó là áp lực cạnh tranh lớn hơn do mở cửa thị trường với nhiều sản phẩm nước ngoài.

Chúng ta xuất khẩu mạnh nhưng 70% kim ngạch xuất khẩu thuộc về các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Theo số liệu của OECD năm 2024, chỉ số DVA (Domestic Value Added) là chỉ số giá trị gia tăng trong tổng xuất khẩu của Việt Nam còn tương đối khiêm tốn ở mức 52%.

Tỷ lệ tận dụng các CO cấp theo các FTA còn thấp, còn nhiều trường hợp xuất khẩu dù có ưu đãi nhưng không đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Mức độ tham gia của Việt Nam vào trong các chuỗi giá trị toàn cầu còn tương đối thấp. Việt Nam chủ yếu tham gia ở khâu chế biến, lắp ráp, những công đoạn tạo giá trị cao họ làm ở nước họ…

“Giá trị gia tăng đạt được trong thương mại của chúng ta chưa cao, dù xuất khẩu lớn nhưng phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài, nếu thế giới có biến động sẽ ảnh hưởng mạnh tới doanh nghiệp”, bà Phương lưu ý.

Do đó, để tăng cường tận dụng được các FTA, bà Phương cho rằng doanh nghiệp cần tìm hiểu sâu về các FTA, hiểu thì mới tận dụng được. Các FTA rất phức tạp, nên doanh nghiệp rất khó khăn để hiểu, vì thế các cơ quan liên quan cần tăng cường đào tạo cho doanh nghiệp để hiểu sâu hơn về FTA, các vấn đề xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp, hiệp hội tăng cường vai trò, tiếng nói với cơ quan chính phủ về việc thực thi FTA, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ nhằm tận dụng các FTA tốt hơn.

"Khóa đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, thương mại điện tử và logistics" nằm trong khuôn khổ các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật thuộc Quỹ đặc biệt Dự án Mê Công – Lan Thương, sẽ kéo dài từ ngày 3/12 đến hết ngày 6/12 do Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Mê Công – Lan Thương, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức.

Khoá học tập trung vào: Cập nhật về các xu hướng hội nhập kinh tế, thương mại-đầu tư, các FTA và các rào cản phi thuế quan đối với thương mại quốc tế; Nghiệp vụ xuất nhập khẩu, mua hàng và thanh toán quốc tế; Hoạt động logistics và quản trị chuỗi cung ứng toàn diện trong bối cảnh hiện nay; Tình hình phát triển thương mại điện tử khu vực và thế giới, những xu hướng mới và cam kết thương mại điện tử trong các FTA của Việt Nam.

Mục đích nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ thuộc các cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp, các viện, trường tại các nước thuộc khu vực Mê  Công – Lan Thương nhằm giúp các học viên có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng để phục vụ công việc, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa các quốc gia khu vực Mê Công – Lan Thương nói riêng và giữa các quốc gia khu vực này với thế giới nói chung.

Nguồn: TBKTVN