Việt Nam và Thái Lan đang “ngang cơ” trong cuộc đua giành vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh trong những ngày vừa qua. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đối với gạo 5% tấm ngày 17/8 tăng 5 USD/tấn so với ngày trước đó, lên mức 628-632 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm cũng từ mức 603-607 USD/tấn của ngày 16/8 đã vọt lên mức 608-612 USD/tấn.

Ngày 18/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giữ nguyên ở mức 632 USD/tấn, nhưng giá gạo 25% tấm xuất khẩu tiếp tục tăng thêm 10 USD/tấn so với ngày hôm trước, đạt mức 618-622 USD/tấn. Giá gạo chất lượng cao jasmin đạt tới 748-752 USD/tấn vào ngày 18/8.

THỊ TRƯỜNG GẠO THÁI LAN HỖN LOẠN, DOANH NGHIỆP VIỆT CŨNG GẶP KHÓ
Trong khi đó, theo niêm yết của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá xuất khẩu gạo 5% tấm ngày 17/8 của Thái Lan là 613-617 USD/tấn, trong khi giá gạo 25% là 561-565 USD/tấn. Với mặt bằng giá mới được thiết lập,  hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn của Thái Lan 15 USD/tấn và gạo 25% tấm cao hơn 47 USD/tấn.

Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan nhận định, giao dịch gạo tại thị trường nội địa của Thái Lan đang trở nên hỗn loạn, từ khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ dẫn tới đầu cơ tích trữ làm cạn kiệt nguồn cung từ thị trường, khiến ít gạo xuất khẩu hơn.

Giá gạo trắng nội địa Thái Lan đã tăng gần 20% trong tuần trước lên 21.000 baht (597 USD)/tấn. Dù Chính phủ Thái Lan không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo nhưng các nhà xuất khẩu Thái Lan hiện đã “cạn kho”, rất khó có xuất khẩu. Nguyên nhân, do giá gạo trong nước cao hơn so với giá xuất khẩu, khiến doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị lỗ.

“Cho tới nay, Thái Lan chưa bao giờ bị khan hiếm nguồn cung, vì chúng tôi có rất nhiều gạo dư thừa mỗi năm. Nhưng năm nay, thị trường gạo Thái Lan hỗn loạn do các nhà xuất khẩu không thể đưa ra bất kỳ báo giá nào, bởi lo ngại biến động giá và sự không chắc chắn về nguồn cung", ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan chia sẻ.

"Việc thương lái và thương nhân đua nhau tích trữ gạo, đang khiến giá gạo Thái Lan kém cạnh tranh hơn và mất đi cơ hội vàng để Thái Lan xuất khẩu nhiều hơn vào thời điểm Ấn Độ vắng bóng trên thị trường quốc tế".

Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan.

Tại Việt Nam, có vẻ cũng đang xảy ra diễn biến tương tự. Chỉ tính 2 loại thóc luôn có giá rẻ nhất là IR50404 và OM 5451 cũng đã cao ngất ngưởng.

Nếu như trước đây, giá thóc IR50404 và OM 5451 thường chỉ dao động từ 4.500 đồng – 4.800 đồng/kg; thì đến 31/7 giá thóc IR50404 lên mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 lên mức 6.800 đồng/kg. Trong tháng 8/2022, giá thóc tiếp tục tăng mạnh.

Ghi nhận giá ngày 20/8/2023 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá thóc IR 50404 ở mức 7.600 - 7.800 đồng/kg; thóc Đài thơm 8 ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg. Giá thóc này tương ứng với giá thành gạo nguyên liệu thành phẩm đã đạt mức 14.500 - 14.600 đồng/kg, tương đương với 605-610 USD/tấm.

Ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty Dương Vũ Rice, cho biết tại thời điểm này, giá lúa và giá gạo nguyên liệu trong nước rất cao, nếu thu mua để ký hợp đồng mới với giá xuất khẩu hiện nay, sẽ không có lãi. Đấy là chưa tính đến giá lúa có thể sẽ còn tiếp tục tăng lên trong những ngày tới. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp không dám ký hợp đồng mới.

“Giá gạo xuất khẩu đã tăng thêm 100 USD/tấn so với tháng trước. Rất nhiều doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, xã hội của các nước đề nghị gặp gỡ để trao đổi về vấn đề thương mại gạo, nhưng tôi hạn chế gặp bởi hiện tại, việc dự đoán giá gạo rất khó khăn”, ông Hòa Nói.

CẦN 2,6 TRIỆU TẤN CHO XUẤT KHẨU TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM
Số liệu của Hải quan cho thấy, trong 7 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 2,62 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 31,4% về giá trị so với cùng kỳ 2022.

Theo ước tính của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến 15/8, nước ta đã xuất khẩu khoảng 5,2 triệu tấn gạo.

Đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu năm 2023 xuất khẩu 7,1 triệu tấn (bằng kết quả năm 2022). Tuy nhiên, với những diễn biến rất thuận lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng mục tiêu xuất khẩu gạo lên 7,5-7,8 triệu tấn.

Để đạt được mục tiêu này, trong 4,5 tháng còn lại, cần xuất khẩu 2,6 triệu tấn, tương đương với 0,58 triệu tấn/tháng. Nếu so với lượng gạo xuất khẩu tháng 7/2023 là 660.738 tấn, và lượng gạo xuất khẩu trung bình mỗi tháng từ đầu năm đến nay là 700.000 tấn, thì mục tiêu 7,8 triệu tấn là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể đạt được 8 triệu tấn.

Nhìn lại “cuộc đua” thứ hạng trong xuất khẩu gạo toàn cầu, suốt thập kỷ 2000-2010, Thái Lan luôn là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, và Việt Nam luôn đứng ở vị trí thứ hai. Năm 2011, Ấn Độ bất ngờ vượt qua Việt Nam, sau đó vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu gạo, và duy trì vị trí quán quân này từ đó cho đến nay. Trong khi, Việt Nam bị đẩy xuống vị trí thứ ba về xuất khẩu gạo.

Trước đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ chỉ đạt 10 triệu tấn/năm. Trong 2 năm 2021- 2022, lượng gạo xuất khẩu trung bình của Ấn Độ mỗi năm tăng rất mạnh, từ 10 triệu tấn năm 2019 lên 22,3 triệu tấn năm 2022.  

Trong khi đó, năm 2020, Thái Lan bất ngờ tụt xuống vị trí thứ ba về xuất khẩu gạo, khi nước này chỉ xuất khẩu được 5,27 triệu tấn gạo; Việt Nam xuất khẩu được 6,15 triệu tấn trong năm 2020. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo, Thái Lan chỉ đạt được 6 triệu tấn.

Đến năm 2022, Thái Lan đã giành lại được vị trí thứ hai khi đạt kết quả xuất khẩu 7,69 triệu tấn; trong khi Việt Nam xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo. Thái Lan đặt ra mục tiêu năm 2023 xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo, nhưng với những thuận lợi về thị trường hiện nay, Chính phủ quốc gia này đã nâng mục tiêu xuất khẩu gạo lên 8,0 triệu tấn. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, mục tiêu xuất khẩu gạo của Thái Lan là không dễ dàng.

Các nhà phân tích ngành hàng gạo quốc tế nhận định, ngoài giá tăng do tích trữ, thời tiết khô hạn El Nino có khả năng ảnh hưởng tới vụ thu hoạch, sẽ khiến Thái Lan giảm xuất khẩu gạo trong năm nay và năm tới.

El Nino dự kiến dẫn tới ít mưa hơn vào tháng 9 và tháng 10 - thời điểm cây lúa cần được bổ sung nhiều nước. Từ đó, sản lượng thu hoạch và đưa ra thị trường vào tháng 11 có thể bị giảm. Hiện chưa có ước tính sản lượng chính xác, nhưng Bộ Nông nghiệp Thái Lan dự báo rằng sản lượng gạo niên vụ 2023 - 2024 của Thái Lan sẽ thấp hơn dự kiến.

Do nguồn cung khan hiếm và tình trạng đầu cơ tích trữ, Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan chỉ duy trì mục tiêu xuất khẩu năm 2023 ở mức mục tiêu ban đầu chứ không kỳ vọng đạt được mục tiêu mới do Chính phủ đưa ra, do nước này khó có thể tận dụng lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ.

Hiện nay xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có vẻ thuận lợi hơn Thái Lan, do Việt Nam đã có cách “hóa giải” El Nino, nên sản lượng lúa vẫn tăng. Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tăng thêm diện tích lúa thu đông lên 50.000 ha so với các niên vụ trước.

Vì vậy, sản lượng lúa thu hoạch các tháng 11 và 12 sẽ tiếp tục tăng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Những diễn biến cho thấy, hai quốc gia Việt Nam và Thái Lan đang “ngang cơ” nhau trong cuộc đua giành vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo và nếu xuất khẩu đạt 8 triệu tấn thì chắc chắn Việt Nam sẽ một lần nữa vượt qua được Thái Lan.

Nguồn: TBKTVN