Xu hướng bỏ việc văn phòng làm việc chân tay ở người trẻ Trung Quốc

Leon Li từng làm việc tại một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất tại Trung Quốc. Là nhân viên hành chính, Li phải làm việc ngày đêm để lên lịch họp, chuẩn bị tài liệu, hỗ trợ cho các sếp mọi thứ họ cần. Tuy nhiên, vào tháng 2 năm nay, cô quyết định nghỉ làm, từ bỏ công việc ổn định với mức lương tương đối tốt để chuyển sang một công việc ít áp lực hơn – vệ sinh nhà cửa.

TỪ CHỐI VĂN HÓA “996”

“Mỗi sáng, khi chuông báo thức reo, tất cả những gì tôi có thể thấy là tương lai mờ mịt của mình”, Li, 27 tuổi, kể với CNN về công việc văn phòng trước đây của mình.

Li là một trong ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc quyết định từ bỏ công việc văn phòng áp lực cao và lựa chọn công việc lao động chân tay ít áp lực và linh hoạt hơn.

Họ từng làm việc cho những công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Tuy nhiên, những công ty này ngày càng giảm sức hấp dẫn với người lao động trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đối mặt nhiều khó khăn như khủng hoảng bất động sản, đầu tư nước ngoài sụt giảm và tiêu dùng ảm đạm.

Theo dữ liệu mới nhất của Tổng Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), GDP quý 2 của nước này tăng 4,7%, không đạt dự báo của các nhà phân tích, đánh dấu quý tăng trưởng yếu nhất kể từ quý 1/2023.  

Thời gian làm việc dài và căng thẳng trong khi niềm vui với công việc ngày càng giảm sút đã khiến những nhân viên như Li suy nghĩ lại về việc liệu có nên đánh đổi thời gian và sức khỏe của mình để lấy mức lương cao hay không.

“Tô thích dọn dẹp. Khi tiêu chuẩn sống tăng (trên khắp Trung Quốc), nhu cầu với dịch vụ dọn dẹp ngày càng tăng và thị trường này đang phát triển chưa từng thấy”, Li, hiện sống tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, chia sẻ. Nhưng quan trọng hơn, cô cảm thấy hạnh phúc hơn.

“Sự thay đổi mà công việc này mang lại là tôi không còn cảm thấy đau đầu. Tôi cảm thấy ít bị áp lực tinh thần hơn. Giờ đây, mỗi ngày tôi đều tràn đầy năng lượng”, cô nói với CNN.

Li không phải nhân viên văn phòng duy nhất cảm thấy tìm thấy sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc sau khi chuyển sang làm công việc chân tay.

Alice Wang, 30 tuổi, từng làm việc cho một trong những nền tảng thương mại điện tử phát trực tuyến hàng đầu Trung Quốc với mức lương 700.000 nhân dân tệ (96.310 USD) mỗi năm. Tuy nhiên, tháng 4 năm nay, cô đã nghỉ việc và chuyển từ Hàng Châu, một trung tâm công nghệ của Trung Quốc, tới Thành Đô, một thành phố ít ồn ã hơn với giá thuê nhà rẻ hơn. Tại đây, cô làm công việc làm đẹp cho thú cưng.

Leon Li bỏ công việc tại một công ty công nghệ lớn để gia nhập ngành công nghiệp vệ sinh - Ảnh: CNN

Leon Li bỏ công việc tại một công ty công nghệ lớn để gia nhập ngành công nghiệp vệ sinh - Ảnh: CNN

Ở Trung Quốc, văn hóa làm việc “996” – yêu cầu người lao động từ 9:00 sáng tới 9:00 tối và 6 ngày một tuần – phổ biến tại các công ty công nghệ, startup và công ty tư nhân. Đây chính là nhân tố chính khiến nhiều người quyết định bỏ việc.

Wang nhớ lại cảm giác kiệt sức, “vô cùng thiếu sức sống và trì trệ” lúc còn làm việc việc cũ, khi cô phải dành hầu hết thời gian mỗi ngày để làm việc. Nhưng giờ đây, cô cảm thấy hoàn toàn khác.

“Cảm giác có sự phát triển rất vui”, Wang nói và cho biết thêm hiện cô đang tham gia khóa đào tạo làm đẹp cho thú cưng và đặt mục tiêu một ngày nào đó có thể mở cửa hàng của riêng mình. “Đó là kế hoạch dài hạn của tôi”.

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG CHÂN TAY TĂNG TRƯỞNG MẠNH

Theo nền tảng tuyển dụng Zhaopin, xu hướng chuyển từ các công việc chuyên nghiệp sang công việc tay chân diễn trong trong bối cảnh nhu cầu lao động tay chân ở Trung Quốc tăng mạnh. Trong khảo sát mới nhất, nền tảng này cho biết nhu cầu này, đặc biệt là với nhân viên giao hàng, tài xế xe tải, nhân viên phục vụ và kỹ thuật viên, trong quý đầu năm nay đã tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, nhu cầu tuyển dụng nhân viên giao hàng tăng nhanh nhất, ở mức 800%, do văn hóa đặt đồ ăn giao tận nơi trở nên phổ biến hơn sau 3 năm Trung Quốc áp dụng các biện pháp phòng dịch Covid hà khắc. Mức lương dành cho lao động tay chân tăng lên cũng khiến nhiều người sẵn sàng làm những việc mà trước đây họ không muốn hoặc tránh xa.

Theo khảo sát của Zhaopin, mua sắm trực tuyến bùng nổ đã giúp mức lương bình quân tháng của một nhân viên giao hàng hiện tăng 45,3% so với năm 2019, từ mức 5.581 nhân dân tệ (768 USD) lên 8.109 nhân dân tệ (1.116 USD).

Với không ít sinh viên mới ra trường, công việc chân tay không phải lựa chọn đầu tiên của họ. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế sụt tốc tăng trưởng, các vị trí dành cho sinh viên mới tốt nghiệp ngày càng ít, khi mà thị trường lao động trở nên cạnh tranh hơn.

Khảo sát trên cũng cho thấy số người dưới 25 tuổi nộp đơn xin các công việc chân tay trong quý đầu năm nay ở Trung Quốc đã tăng 165% so với cùng kỳ năm 2019. Theo NBS, tháng 6/2023, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16-24 tăng lên 21,3% trong tháng 6/2023. Cơ quan này sau đó đã dừng công bố số liệu này trong vài tháng để điều chỉnh phương pháp tính. Tới tháng 1 năm nay, nhà chức trách bắt đầu công bố lại số liệu này, không tính khoảng 62 triệu sinh viên – những người được xác định là có nhiệm vụ chính là học tập chứ không phải tìm việc. Theo đó, những tháng gần đây, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi này dao động từ 14,2-15,3%.

Trong một báo cáo năm ngoái, các nhà kinh tế Larry Hu và Zhang Yuxiao của công ty tài chính Macquarie, nhận định khu vực tư nhân, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ, từng là nơi tuyển dụng hàng đầu của người lao động trẻ Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường lao động này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nhu cầu tiêu dùng ảm đạm.

Ông David Goodman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Sydney, cho biết có khoảng cách lớn giữa loại lao động mà các trường đại học đào tạo ra và nhu cầu của thị trường.

“Nền kinh tế Trung Quốc đang dịch chuyển theo hướng công nghệ cao, công nghệ xanh và công nghiệp dịch vụ, trong khi hệ thống giao dục Trung Quốc vẫn chủ yếu tập trung vào đào tạo cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ công – những lĩnh vực đã lỗi thời hoặc bão hòa”, ông Goodman phân tích. “Một vấn đề nghiêm trọng là hệ thống đào tạo các cấp cao hơn không tự điều chỉnh hoặc được điều chỉnh để đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của cấu trúc nền kinh tế”.

LIỆU CÓ HỐI HẬN?

Tuy nhiên, một số người băn khoăn liệu những công việc chân tay liệu có thực sự là lựa chọn không có căng thẳng như những người như Li và Wang đánh giá.

Một video gần đây được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy điều này có thể không thực sự đúng. Video quay một nhân viên pha chế ở Thượng Hải đang tức giận khi bị một khách hàng đe dọa đánh giá kém. Đỉnh điểm, nhân viên đó đã ném bột cà phê vào vị khách này. Vụ việc trở thành tâm điểm của một cuộc tranh luận trên mạng về những thách thức mà người lao động ngành dịch vụ phải đối mặt.

Phàn nàn hoặc đánh giá kém trên các nền tảng mạng xã hội nổi tiếng có thể là một thảm họa với các cửa hàng và nhà hàng ở Trung Quốc. Việc bị đe dọa đánh giá kém gây áp lực cho những người lao động tay chân. Họ phải cố gắng không gây lỗi lầm để công ty mình không trở thành tâm điểm sự chú ý tiêu cực.

Dù vậy, với Li, hiện chỉ làm 6 giờ mỗi ngày với giờ làm việc linh hoạt, cô cảm thấy tích cực hơn. Cô thích sự gắn kết của mình với khách hàng và cho biết mỗi buổi dọn nhà với cô có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ một giao dịch kinh doanh.

“Khách hàng thường cẩn thận mời chúng tôi uống nước. Khi đến giờ ăn, họ sẽ đặt đồ ăn về cho chúng tôi, mang đồ ăn cho chúng tôi, liên tục nhắc nhở chúng tôi uống nước và nghỉ ngơi”, Li kể và cho biết không hối hận vì đã từ bỏ công việc văn phòng. “Sau một ngày mệt nhoài, tôi có thể về nhà, ăn uống và làm điều mình thích mà không phải chịu thêm áp lực tinh thần gì”.

Nguồn: TBKTVN