Đồng yên Nhật Bản bước vào giai đoạn giảm giá mới?

Sau phát biểu trên của ông Ishiba, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda cũng bày tỏ quan điểm thận trọng về tăng lãi suất. Hệ quả là đồng yên giảm giá hơn 2,9% so với đồng USD trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (2/10) tại thị trường New York.

“ĐÒN GIÁNG KÉP” VÀO TỶ GIÁ ĐỒNG YÊN

Đây là phiên giảm mạnh nhất của đồng yên kể từ tháng 6/2022, vượt xa mức biến động ghi nhận trong những ngày thị trường tài chính toàn cầu chao đảo hồi đầu tháng 8 năm nay.

Trong phiên châu Á sáng nay (3/10), đồng yên tiếp tục trượt giá so với USD, có lúc giảm quá mức 147 yên đổi 1 USD, thấp nhất kể từ hôm 3/9.

“Tuyên bố của ông Ishiba phủ nhận khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất trong năm nay là quá đỗi thẳng thắn”, nhà kinh tế Mari Iwashita của công ty Daiwa Securities nhận định với hãng tin Bloomberg.

Ngoài tin tức từ Nhật, đồng yên còn đương đầu với áp lực giảm đến từ số liệu khả quan về kinh tế Mỹ.

Báo cáo việc làm tháng 9 của công ty dữ liệu tuyển dụng ADP công bố vào ngày thứ Tư cho thấy số lượng việc làm mới trong khu vực kinh tế tư nhân của Mỹ đạt 143.000 công việc, cao hơn so với con số dự báo 128.000 công việc mà giới phân tích đưa ra trước đó. Số liệu này giúp giảm bớt mối lo của nhà đầu tư về sức khỏe nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời giảm bớt đặt cược vào mức giảm lãi suất lớn trong cuộc họp tháng 11 của Fed.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 36,4% Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11, giảm từ mức đặt cược 37,4% của ngày hôm trước. Trong khi đó, đặt cược vào mức giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tăng lên 62,6%.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên ngày thứ Tư ở mức 101,68 điểm, từ mức 101,2 điểm của phiên trước. So với đồng euro, tỷ giá USD đạt mức cao nhất 3 tuần.

Đồng USD đã tăng giá đáng kể trong tuần này, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell vào hôm thứ Hai tuần này nhận định nền kinh tế Mỹ đang cho thấy sức trụ tốt và Fed có thể chỉ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm mỗi lần trong những đợt giảm tới.

“Ông Powell đã khẳng định rằng Fed cứng rắn hơn những gì thị trường đang nghĩ về tiến độ giảm lãi suất trong năm nay. Bây giờ, BOJ lại nói rằng họ sẽ không sớm tăng thêm lãi suất. Đó là đòn giáng kép vào tỷ giá đồng yên. Thị trường đã bi quan quá mức về tỷ giá đồng USD ở thời điểm cách đây 2 tuần, và giờ là lúc các nhà giao dịch phải điều chỉnh vị thế”, nhà quản lý danh mục Leah Traub của công ty Lord Abbett nhận định.

ĐỒNG YÊN TRƯỚC RỦI RO GIẢM GIÁ SÂU HƠN

Theo Bloomberg, các nhà giao dịch quyền chọn đồng yên vẫn đang lạc quan về tỷ giá đồng tiền này trong tuần tới, tháng tới và quý tới, nhưng sự lạc quan đó đã giảm bớt so với hồi tháng 9. Các quỹ phòng hộ vẫn đang bán khống đồng yên, nhưng đã giảm vị thế bán khống trong những tuần gần đây.

Trước cú giảm ngày thứ Tư, đồng yên đã mất giá khoảng 1% so với USD trong hai ngày đầu tuần, sau khi tuyên bố của ông Powell đưa đồng USD tăng giá mạnh.

Theo bà Jane Foley, trưởng chiến lược ngoại hối của ngân hàng Rabobank, biến động tỷ giá yên tuần này “phản ánh một thị trường đang có mức độ bất an cao do những bất định lớn xung quanh chính sách của BOJ và khả năng Thủ tướng mới của Nhật Bản sẽ có sự can thiệp vào BOJ”. “Trong thời gian tới, tôi cho rằng Thủ tướng Nhật sẽ ít bình luận về chính sách của BOJ vì sự nhạy cảm đó của thị trường”, bà Foley nói.

Đầu tháng 8, đồng yên bắt đầu tăng giá mạnh sau khi BOJ nâng lãi suất - động thái khiến các nhà giao dịch ồ ạt rút khỏi vị thế giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) mà đồng yên là đồng tiền cấp vốn. Trước đó, đồng yên có lúc giảm giá xuống mức thấp nhất gần 4 thập kỷ, với gần 162 yên đổi 1 USD.

Gần đây, xu hướng tăng của đồng yên chững lại, khiến tỷ giá đồng tiền này chủ yếu dao động trong vùng 140-145 yên đổi 1 USD.

Diễn biến tỷ giá USD/yên Nhật trong 1 năm trở lại đây. Đơn vị: yên/USD - Nguồn: Trading Economics.

Diễn biến tỷ giá USD/yên Nhật trong 1 năm trở lại đây. Đơn vị: yên/USD - Nguồn: Trading Economics.

Cách đây chưa lâu, thị trường còn kỳ vọng BOJ sẽ có đợt tăng lãi suất thứ ba trong năm nay vào tháng 10. Sau đó, kỳ vọng này bị đẩy lùi tới tháng 12. Hiện tại, thị trường về cơ bản không còn hy vọng BOJ còn hạ lãi suất trong năm nay, thay vào đó cho rằng BOJ sẽ phải trì hoãn việc tăng lãi suất vì làm như vậy có thể gây trở ngại cho chính quyền mới.

“Nếu BOJ tăng lãi suất và gây ra một cú sốc trên thị trường như hôm 5/8, ảnh hưởng đến chính quyền Thủ tướng Ishiba sẽ là lớn. Bởi vậy, BOJ sẽ không tăng lãi suất nữa trong năm nay, và đồng yên sẽ mất giá trong thời gian từ nay tới cuối năm”, nhà giao dịch ngoại hối Yuya Yokota của ngân hàng Mitsubishi UFJ Trust and Banking nhận định.

Còn theo chiến lược gia Sebastian Boyd của Bloomberg Economics, “quan điểm mềm mỏng hơn từ ông Ishiba, cùng với các yếu tố cơ bản và kỹ thuật, đều cho thấy đồng yên có thể giảm giá thêm”.

Nguồn: TBKTVN