Bí quyết thương lượng thành công

(Được tạo bởi Quản trị viên 2 - 01-10-2018)

Muốn có cuộc thương lượng thành công, bạn hãy trang bị 10 lưu ý của Ed Brodow, chuyên gia thương lượng thành công ở Mỹ:

Chuẩn bị trước

Thu thập thông tin thích hợp trước cuộc thương lượng, ví dụ như nhu cầu của đối tác là gì, họ cảm thấy áp lực nào hay có những lựa chọn gì. Bạn sẽ không thể đưa ra quyết định chính xác mà không hiểu gì về đối tác.

Đừng ngại hỏi những gì bạn muốn

Bạn có quyền được tìm hiểu về phía đối tác. Do đó, không ngần ngại đưa ra những câu hỏi mà bạn thắc mắc, ví dụ như về giá cả, những điều mà bạn đã đọc trên báo, website về sản phẩm nhưng vẫn còn khúc mắc.

Mục tiêu cao

Nếu là người bán hàng, bạn cần yêu cầu nhiều hơn điều mình mong đợi. Nếu là người mua, bạn nên đề nghị mức thấp hơn mức mình sẳn sàng bỏ tiền mua.

Cho đối tác thấy quyền lợi

Thay vì cố giành chiến thắng trong cuộc thương lượng, bạn hãy tìm hiểu và cho đối tác thấy được quyền lợi cơ bản của họ thế nào để họ cảm thấy hài lòng. Khi đó, họ sẽ giúp bạn thỏa mãn nhu cầu của bạn.

Lắng nghe

Bạn hãy thực hiện quy tắc 70/30, lắng nghe 70% thời gian và chỉ nói 30% thời gian. Khuyến khích đối tác nói bằng cách đưa ra câu hỏi mở, câu hỏi không thể trả lời “có” hoặc “không.

Có cho - Có nhận

Khi bạn cho đi mà không yêu cầu đối tác đáp lại, họ sẽ thấy bạn đang nhượng bộ và cứ đòi hỏi đến khi bạn mất nhiều lợi ích hơn. Vì vậy, khi cho đối phương lợi ích, bạn cũng nhận lại một cái khác.

Luôn sẳn sàng đi

Bạn cần liều lĩnh một chút và xác định rõ: “Tôi sẽ đi nếu sự thỏa thuận đó không thỏa đáng”. Quyết tâm của bạn buộc đối tác phải nhượng bộ. Nếu không dám nghĩ đến việc sẽ bỏ đi, bạn có thể chịu thua đối tác trong cuộc thương lượng.

Đừng vội vàng

Khi vội vàng, bạn có khả năng mắc sai lầm và không nhận được nhiều tiền như mong muốn. Sự kiên nhẫn của bạn có thể khiến đối tác tin bạn không chịu áp lực để kết thúc thỏa thuận này. Vì vậy, họ sẽ có xu hướng cho bạn nhiều ưu đãi hơn.

Tập trung vào áp lực của đối tác

Để thương lượng thành công, cả hai bên đều chịu áp lực. Tuy nhiên, bạn đừng tập trung vào áp lực của bản thân, mà hãy tìm hiểu đối tác chịu áp lực gì và tìm cách khai thác để đạt kết quả tốt hơn.

Không bị ảnh hưởng bởi tính cách của đối tác

Người thương lượng thành công tập trung vào giải quyết vấn để. Ám ảnh tính cách của đối tác hay vấn đề không liên quan có thể phá hỏng cuộc thương lượng.