ByteDance, TikTok tìm cách tạm dừng lệnh cấm của Mỹ

TikTok và công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc - ByteDance - hôm 9/12 đã kiến nghị khẩn cấp lên Tòa án phúc thẩm Mỹ tại Quận Columbia về việc tạm thời ngăn chặn đạo luật buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok hoặc đối mặt với lệnh cấm hoạt động tại xứ cờ hoa.

Hai công ty này cũng cảnh báo rằng nếu không tạm dừng áp dụng, luật sẽ có hiệu lực và sẽ "đóng cửa TikTok - một trong những nền tảng video phổ biến nhất của đất nước - đối với hơn 170 triệu người dùng trong nước hàng tháng vào đêm trước lễ nhậm chức của Tổng thống (Donald Trump - BTV)".

Nếu không có lệnh tạm dừng, TikTok có thể bị cấm tại Mỹ trong vòng 6 tuần, khiến nền tảng video này trở nên kém giá trị hơn nhiều đối với ByteDance và các nhà đầu tư. Đồng thời, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp phụ thuộc vào TikTok để thúc đẩy doanh số bán hàng của họ.

Cuối tuần trước, một hội đồng gồm ba thẩm phán của Tòa án phúc thẩm Mỹ đã tiếp tục duy trì luật yêu cầu ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok tại nước này vào đầu năm sau hoặc phải đối mặt với lệnh cấm chỉ trong vòng 6 tuần.

Các luật sư của ByteDance và TikTok cho biết triển vọng Tòa án Tối cao Mỹ sẽ thụ lý vụ án "và đảo ngược là đủ cao để đảm bảo việc tạm dừng cần thiết để tạo thời gian cho các cuộc thảo luận tiếp theo".

Hai công ty này cũng cho rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên thệ sẽ ngăn chặn lệnh cấm đối với TikTok, đồng thời lập luận rằng sự chậm trễ "sẽ cho chính quyền mới có thời gian để xác định lập trường của mình - điều này có thể bác bỏ cả những tác hại sắp xảy ra và nhu cầu xem xét lại của Tòa án tối cao Mỹ".

Phía Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Tòa án phúc thẩm nên nhanh chóng bác bỏ yêu cầu "để tối đa hóa thời gian có sẵn để Tòa án tối cao xem xét" các đơn đề nghị từ ByteDance và TikTok.

TikTok đã kiến nghị Tòa án phúc thẩm Mỹ ra phán quyết đối với đề nghị tạm dừng lệnh cấm trước ngày 16/12.

Phán quyết này - trừ khi bị Tòa án tối cao Mỹ đảo ngược - sẽ đặt số phận của TikTok vào tay Tổng thống Joe Biden xem có nên gia hạn cho ByteDance thêm 90 ngày sau thời hạn 19/1/2025 để buộc phải thoái vốn khỏi TikTok và sau đó là ông Trump, người sẽ nhậm chức một ngày sau đó hay không.

Ông Trump, người đã từng cố gắng cấm TikTok nhưng không thành công trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 2020, đã nói trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 rằng ông sẽ không cho phép áp lệnh cấm TikTok.

Cố vấn an ninh quốc gia sắp tới của ông Trump, Mike Waltz, đã nói với Fox Business Network tuần trước rằng ông Trump "muốn cứu TikTok. Chúng ta hoàn toàn nên cho phép người dân Mỹ truy cập vào ứng dụng đó nhưng chúng ta cũng phải bảo vệ dữ liệu của mình".

Phán quyết của tòa án Mỹ duy trì luật trao cho chính phủ nước này quyền hạn rộng rãi để cấm các ứng dụng khác do nước ngoài sở hữu có thể gây ra mối lo ngại về việc thu thập dữ liệu của người Mỹ. Năm 2020, Tổng thống Trump khi đó đã cố gắng cấm cửa WeChat thuộc sở hữu của Tencent, nhưng nỗ lực đó đã bị tòa án ngăn chặn.

TikTok hôm 9/12 cảnh báo rằng phán quyết của tòa án Mỹ có thể làm gián đoạn "các dịch vụ cho hàng chục triệu người dùng TikTok bên ngoài Mỹ". Theo đó, hàng trăm nhà cung cấp dịch vụ bảo trì, phân phối và cập nhật của Mỹ sẽ không thể cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nền tảng này bắt đầu từ ngày 19/1/2025.

Nguồn: Báo Đầu tư