Quay lại

Cạnh tranh toàn cầu trong ngành dịch vụ chuyển phát

Sự gia tăng liên tục của thương mại điện tử đã dẫn đến nhu cầu ngày càng cao về dịch vụ chuyển phát toàn cầu. Khi ngày càng nhiều người tiêu dùng mua sắm trực tuyến, các công ty chuyển phát cần mở rộng cơ sở hạ tầng và khả năng của mình để đáp ứng khối lượng giao hàng ngày càng tăng.

Bảng phân tích về các công ty chuyển phát lớn nhất do Pranav Gavali thực hiện cho thấy quy mô khổng lồ của các nhà cung cấp này. Bảng này dựa trên vốn hóa thị trường tính đến ngày 9/2/2024 từ CompaniesMarketCap.com.

Ba công ty chuyển phát hàng đầu, bao gồm United Parcel Service (UPS), FedEx và DHL, vẫn tiếp tục thống trị dịch vụ chuyển phát toàn cầu. Các công ty này không chỉ là những cái tên nổi bật trong ngành mà còn là những đại diện tiêu biểu cho sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ chuyển phát quốc tế.

Ngoài ba công ty lớn này, còn có những nhà cung cấp khác hoạt động chủ yếu trong khu vực nhưng đã đạt được giá trị đáng kể. Ví dụ, Japan Post Holdings của Nhật Bản và S.F. Express cùng ZTO Express của Trung Quốc đều đã khẳng định được vị thế vững chắc trong ngành. Những công ty này mặc dù không có giá trị toàn cầu như UPS, FedEx, và DHL, nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chuyển phát toàn cầu.

Tại Việt Nam, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thị trường thương mại điện tử Việt Nam dự kiến sẽ đạt 23 tỉ USD vào năm 2025. Số lượng người mua sắm trực tuyến dự kiến đạt khoảng 55% dân số với mức chi tiêu trung bình 600 USD mỗi năm. Theo báo cáo của Allied Market Research, với tốc độ tăng trưởng kép 24,1% giai đoạn 2022-2030, thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam ước tính sẽ đạt khoảng 114.680 tỉ đồng năm 2030 (tương đương 4,88 tỉ USD).

Xu hướng này là do yêu cầu tiêu dùng thương mại điện tử B2C đòi hỏi hình thức giao hàng nhanh, khối lượng nhỏ rất phù hợp với đặc điểm của dịch vụ chuyển phát nhanh. Tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới cũng làm lượng nhập khẩu bưu kiện quốc tế lớn lên và thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ chuyển phát nhanh trong nước.

Tuy nhiên, ngành dịch vụ chuyển phát đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong những năm qua. Gián đoạn toàn cầu trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như những vấn đề do đại dịch COVID-19 gây ra, thiên tai hoặc căng thẳng địa chính trị, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các công ty chuyển phát. Những yếu tố này có thể gây ra sự chậm trễ tại các trung tâm vận chuyển hàng hóa, thay đổi trong các tuyến đường thương mại và tình trạng thiếu hụt cung ứng, ảnh hưởng đến hiệu quả và chi phí của dịch vụ chuyển phát.

Mặc dù dịch vụ chuyển phát đã có những cải thiện đáng kể về tốc độ và tính sẵn có ở nhiều quốc gia, các công ty vẫn đang tìm kiếm các phương pháp để nâng cao hiệu quả hơn nữa. Ví dụ, FedEx đã bắt đầu thử nghiệm các robot phân loại sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm cải thiện hiệu quả trong quá trình xử lý. Sự đổi mới này có thể giúp giảm thời gian xử lý đơn hàng và tăng cường khả năng đáp ứng nhanh chóng đối với nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, việc tiếp tục cải tiến và mở rộng dịch vụ chuyển phát là điều cần thiết để duy trì và nâng cao hiệu quả trong ngành. 

Nguồn Visualcapitalist - Nhipcaudautu