Châu Âu muốn học theo mô hình tăng trưởng kinh tế mới của Mỹ

Các nhà hoạch định kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) muốn theo đuổi mô hình tăng trưởng kinh tế mới của Mỹ. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, điều này sẽ đòi hỏi sự can thiệp lớn hơn của nhà nước vào nền kinh tế.

Tờ báo trên cho biết giới chính trị ở châu Âu đã xôn xao trong thời gian gần đây sau khi ông Mario Draghi - cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), người được coi là có công cứu Khu vực đồng Euro (Eurozone) khỏi cuộc khủng hoảng nợ công năm 2012 - công bố một bản báo cáo dài và được mong đợi về cách thức xử lý tình trạng kinh tế trì trệ đang trở nên trầm trọng hơn do làn sóng hàng hóa từ Trung Quốc và không còn nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga.

CÂU HỎI VỀ KHÁC BIỆT NĂNG SUẤT

Ông Draghi đề xuất EU vay thêm những khoản nợ chung để phát triển kinh tế - một giải pháp vốn dĩ vấp phải sự phản đối của Đức, bất đồng này không phải là câu chuyện mới trong nội bộ EU.

Tuy nhiên, đây chỉ là một quả bóng chính trị gây phân tâm. Điểm mấu chốt của báo cáo mà ông Draghi đưa ra là “EU nên rút ngắn khoảng cách với Mỹ về tăng trưởng năng suất và sáng tạo”. Báo cáo nhấn mạnh rằng không có công ty niêm yết nào của châu Âu được định giá hơn 100 tỷ Euro (111 tỷ USD) ra đời trong 50 năm qua. Trong khi ở Mỹ, loạt tên tuổi như Apple, Microsoft, Nvdiai, Amazon, Alphabet, Meta đều đã vượt mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD.

Vậy rút ngắn khoảng cách với Mỹ ở đây nghĩa là gì? Ông Draghi nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực công nghệ, nói rằng công nghệ đóng góp gần như tất cả sự vượt trội năng suất của Mỹ trong 20 năm qua. Ông lập luận rằng “châu Âu không thể mắc kẹt mãi” trong những ngành công nghiệp cũ kỹ.

Sự nhấn mạnh “theo chiều dọc” này vào một lĩnh vực cụ thể là một bước ngoặt lớn khỏi nguyên trạng đã duy trì ở châu Âu từ sau thập niên 1980. Nguyên trạng đó cổ vũ thị trường tự do, tinh thần khởi nghiệp kinh doanh và các chính sách “theo chiều ngang” nhằm thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế châu Âu, chẳng hạn như đào tạo lực lượng lao động và xây dựng cơ sở hạ tầng. Quan điểm này được thể hiện rõ trong Hiệp ước Maastricht 1992, nền tảng cốt lõi của EU.

Vì sao năng suất lao động ở Mỹ cao hơn ở châu Âu là một câu hỏi đã tồn tại từ lâu. Câu hỏi này được đặt ra vào năm 1928 bởi ông Allyn Young, vị Chủ tịch người Mỹ của Trường Kinh tế London.

Trong một bài phát biểu, ông Young phủ nhận quan điểm cho rằng khoảng cách năng suất giữa Mỹ và châu Âu đến từ việc các công ty Mỹ được vận hành tốt hơn. Ông lập luận rằng việc Mỹ có “thị trường nội địa lớn nhất trên thế giới” đồng nghĩa rằng “các phương pháp năng suất mang lại hiệu quả kinh tế và lợi nhuận ở Mỹ sẽ không có tác dụng tương tự ở những nơi khác”. Theo thời gian, thực tế này dẫn việc những ngành công nghiệp phức tạp nhất phát triển nở rộ ở Mỹ.

Có một điều được rút ra ở đây là các công ty sẽ chỉ đầu tư lớn cho việc tăng năng suất nếu họ hoạt động trong các lĩnh vực tăng trưởng, nơi họ có lý do để đầu tư như vậy. Đó là nguyên nhân khiến châu Âu bị tụt lại so với Mỹ về tốc độ đầu tư trong những ngành không phải là xây dựng.

Top 3 công ty đầu tư nhiều nhất vào nghiên cứu ở châu Âu trong thời gian gần đây thường là các hãng sản xuất ô tô chạy bằng xăng. Ngược lại, ở Mỹ, các công ty đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển (R&D) là các công ty ô tô và dược phẩm vào thập niên 2000, tiếp đến là các công ty phần mềm và phần cứng trong thập niên 2010, gần đây hơn là các doanh nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật số.

Tuy nhiên, các quốc gia không thể dễ dàng nhảy vào những lĩnh vực có độ phức tạp cao hơn này, bởi việc tăng lợi nhuận theo quy mô tạo ra một rào cản tự nhiên chống lại bất kỳ doanh nhân có ý tưởng mới nào.

SỰ THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM CỦA MỸ VÀ BÀI HỌC CHO CHÂU ÂU

Thực ra, thế giới của “những doanh nghiệp chiến thắng giành được tất cả” của ngày hôm nay, những mất cân đối thương mại ăn sâu và sự tập trung của các công ty thành công vào một số ít những vực đô thị là những điều không thể lý giải hoàn toàn bởi lợi thế so sánh, hoặc thậm chí là ảnh hưởng của yếu tố tỷ giá và dòng vốn.

Yếu tố lịch sử của bất kỳ quốc gia nào đã từng cố gắng đuổi kịp các quốc gia khác về kinh tế cũng không thể giải thích được những điều đó. Dù đi tiên phong về tự do kinh tế, trong giai đoạn tăng tốc nhằm đuổi kịp nước Anh trong thế kỷ 19, Mỹ đã tích cực sử dụng chủ nghĩa bảo hộ công nghiệp. Những ví dụ thành công gần đây hơn, như Nhật Bản và Hàn Quốc, đều có sự phụ thuộc lớn vào những lĩnh vực được nhà nước ưu ái và thị trường xuất khẩu.

Mỹ đã đi tiên phong về tự do thương mại đa phương trong nửa sau của thế kỷ 20 và có nhiều động lực để duy trì việc đó cho tới tận gần đây. Các công ty ở Thung lũng Silicon - những doanh nghiệp ra đời một phần dựa vào các khoản đầu tư quân sự trước đó - đã dựa vào các nền kinh tế trong mạng lưới để vươn mình thành những công ty dẫn đầu thế giới.

Tuy nhiên, nước Mỹ đã bắt đầu thay đổi tư duy khi Trung Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Trợ cấp công nghiệp và một thị trường nội địa rộng lớn giờ đây đang giúp Trung Quốc làm “ngập lụt” thị trường toàn cầu bằng những sản phẩm do nước này sản xuất như ô tô điện, tấm pin năng lượng mặt trời và các sản phẩm công nghệ cao khác. Những mặt hàng đó của Trung Quốc được sản xuất ở mức chi phí thấp mà các doanh nghiệp phương Tây có quy mô sản xuất nhỏ hơn không thể nào đạt được.

Phản ứng đầu tiên từ phía Mỹ là những đòn thuế quan của cựu Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, tiếp đến là đạo luật Chips và Khoa học và đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Joe Biden. Hai đạo luật này đổ tiền của Chính phủ liên bang vào các ngành công nghiệp bán dẫn, ô tô điện và năng lượng sạch của Mỹ. Dù gặp phải không ít trở ngại, các chính sách này đã dẫn tới sự bùng nổ của hoạt động xây dựng các nhà máy mới ở Mỹ.

Tuy nhiên, EU lại không phản ứng được như Mỹ, do thách thức đến từ sự quản trị phân tán, lợi ích của doanh nghiệp Đức ở Trung Quốc và Nga, cũng như niềm tin vào chương trình tuyên truyền về thị trường mở mà chính EU đã theo đuổi.

Hình ảnh của ông Draghi với tư cách là nhà kỹ trị cuối cùng đã mang tới cho ông động lực để thay đổi điều này, dù ông muốn tránh một bước ngoặt sang chủ nghĩa bảo hộ có thể gây nhiều tổn hại. Để làm được điều đó, báo cáo dài 400 trang của ông Draghi đề xuất một chính sách thương mại dựa trên “phân tích theo từng trường hợp” về những gì sẽ cải thiện năng suất lao động và một chiến lược công nghiệp dựa trên lựa chọn từng lĩnh vực ngành nghề, thay vì lựa chọn những đối tượng hưởng lợi cụ thể.

Trong trường hợp ngành bán dẫn, báo cáo nhận định các sản phẩm tập trung vào sức mạnh của châu Âu, chẳng hạn con chip dùng cho ô tô và thiết bị kết nối mạng, là những lĩnh vực cần được hưởng trợ cấp. Trong nền kinh tế vũ trụ, báo cáo thúc đẩy các ưu tiên có trọng điểm để khuyến khích các công ty nội khối. Trong lĩnh vực điện mặt trời, báo cáo đề xuất chống lại các hành vi thương mại bất bình đẳng và sự dư thừa công suất của Trung Quốc, nhưng cũng cảnh báo rằng sự trả đũa quá mạnh tay có thể phá hỏng thặng dư thương mại mà châu Âu đang có trong lĩnh vực công nghệ điện gió.

Đã có một tiền lệ trước đây, đó là vào đầu những năm 1990, hãng sản xuất máy bay Airbus là một liên doanh làm ăn thua lỗ giữa các nước châu Âu. Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ và một chiến lược thương mại có trọng điểm phù hợp, Airbus hiện là hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới.

Cuối thế kỷ 20, Mỹ đã ra sức tuyên truyền về tự do thương mại và tự do kinh tế. Ngày nay, chủ trương của nước này là bảo hộ có trọng điểm và trợ cấp mạnh mẽ cho lĩnh vực công nghệ cao...

Nguồn: TBKTVN