Hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc)
Ngày 27/8/2024, Hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã diễn ra tại TP.HCM với chủ đề: "Chung tay đồng hành, hợp sức cùng tiến, đưa hợp tác kinh tế và thương mại Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam lên tầm cao mới”.
Hội nghị đã thu hút hơn 350 người tham dự, trong đó có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, Bí thư Khu ủy Quảng Tây Lưu Ninh, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường; lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương Việt Nam; lãnh đạo các sở, ngành TP.HCM, tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam bộ và tỉnh Quảng Tây;
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt khoảng 233 tỷ USD và 732 dự án đầu tư còn hiệu lực, TP.HCM đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với 8 địa phương của Trung Quốc, bao gồm Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây từ năm 2015. Đại diện Lãnh đạo Thành phố cũng cho biết, TP.HCM đang nỗ lực thực hiện các chính sách đặc thù về đầu tư, quản lý đô thị và khoa học công nghệ, nhằm phát triển thành trung tâm kinh tế, tài chính và dịch vụ của châu Á. Điều này không thể đạt được nếu thiếu sự hỗ trợ và hợp tác từ các đối tác quốc tế, đặc biệt là từ Quảng Tây.
Bí thư Khu ủy Quảng Tây Lưu Ninh cũng cho biết, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây suốt trong 25 năm qua, với kim ngạch thương mại đứng thứ hai trong số các tỉnh Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại giữa hai bên tăng 35,6%. Bí thư Khu ủy Quảng Tây cam kết sẽ thực hiện các thỏa thuận giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước, thúc đẩy kế hoạch hợp tác kinh tế, thương mại trong 3 năm tới, đặc biệt là hợp tác khu công nghiệp và chuỗi cung ứng. Quảng Tây cũng sẵn sàng mở rộng hợp tác toàn diện trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục, và nông nghiệp, nhằm xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam từ cấp độ địa phương.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Cao Thị Phi Vân cũng đã chia sẻ tiềm năng to lớn mà TP.HCM mang lại cho các nhà đầu tư quốc tế tại Hội nghị. TP.HCM không chỉ là một đô thị đặc biệt mà còn là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ của cả nước, những lợi thế này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước mà còn là cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Quảng Tây, Trung Quốc. Với các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã mở ra cơ hội lớn cho việc thúc đẩy giao thương và đầu tư giữa hai nước. Với việc Việt Nam tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trên toàn cầu, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một thị trường hấp dẫn để các doanh nghiệp hoạch định chiến lược kinh doanh, không chỉ hướng tới thị trường nội địa mà còn mở rộng ra các thị trường quốc tế.
Hội nghị cũng đã nghe những chia sẻ từ các doanh nghiệp của hai địa phương: ông Ngô Nghị Cương, Giám đốc điều hành Công ty CP Tư vấn và Đầu tư C+ đề xuất nên tăng cường trao đổi về định hướng phát triển của thành phố, đồng thời chia sẻ các ưu điểm vượt trội như trung tâm nhân lực chất lượng cao và môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp nhà đầu tư Trung Quốc hiểu rõ hơn về tiềm năng hợp tác tại TP HCM, đặc biệt trong một thành phố đa văn hóa có cộng đồng Hoa kiều lâu đời. Còn theo ông Đào Viết Ánh, Phó tổng giám đốc FUTA Group và Tổng giám đốc FUTA BUS LINES cho rằng, đây là lần đầu tiên Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ ô tô tiên tiến, mở ra cơ hội tự chủ trong ngành này. Sự hợp tác này không chỉ giúp phát triển sản xuất xe buýt thương hiệu Việt mà còn thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Ông Lý Hán Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Máy móc Ngọc Tài Quảng Tây (Yuchai) bày tỏ lạc quan và nhấn mạnh việc Yuchai sẽ cung cấp công nghệ sản xuất và lắp ráp cho King Long Bus để xây dựng một nhà máy sản xuất động cơ thông minh tại Thừa Thiên Huế. Dự án này sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của cả Việt Nam và Trung Quốc.
Ngoài ra, sự kiện ký kết 14 biên bản MOU giữa các doanh nghiệp hai bên đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương. Đây là nền tảng để các doanh nghiệp hai bên ký kết thỏa thuận hợp tác các dự án quan trọng.
Nguồn: Phòng Thông tin
Tin khác
— 5 Số bài trên trang