Quay lại

Kinh tế ảm đạm, Trung Quốc công bố 20 bước kích cầu

Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đưa ra 20 bước chính, gồm rà soát tiềm năng để thúc đẩy tiêu dùng cơ bản trong những lĩnh vực như dịch vụ ăn uống, dịch vụ nhà ở và chăm sóc người cao tuổi. Những biện pháp này được đưa ra trong một tuyên bố được đăng trên website Chính phủ Trung Quốc.

Theo tuyên bố, nhà chức trách cũng sẽ tìm cách để đẩy mạnh các dạng chi tiêu mới, mở rộng mô hình cửa hiệu bán lẻ không nhân viên, hỗ trợ phát triển các môn thể thao điện tử và bán hàng trên livestream.

Số liệu thống kê công bố vào tháng 7 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc bất ngờ giảm tốc trong quý 2, với tổng sản phẩm trong nước chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, do tăng trưởng xuất khẩu mạnh không đủ để bù đắp sự ảm đạm của tiêu dùng trong nước. Kết quả này dẫn tới những lời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ nền kinh tế để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 5%.

Theo kế hoạch công bố ngày 3/8, Chính phủ Trung Quốc sẽ nâng mức hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực dịch vụ và tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi, cũng như khấu trừ thêm các khoản chi phí về giáo dục và hỗ trợ người cao tuổi khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Kế hoạch cũng bao gồm khuyến khích các hình thức du lịch - giải trí mới như du thuyền và bay ở độ cao thấp. Ngoài ra, nhà chức trách sẽ đẩy mạnh hỗ trợ tín dụng cho những lĩnh vực chủ chốt của tiêu dùng dịch vụ và tăng cường cung cấp các sản phẩm tài chính đáp ứng nhu cầu phát triển của các dạng thức tiêu dùng mới như nền kinh tế chia sẻ - tuyên bố cho biết.

Tháng trước, Đại hội Trung ương 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cam đưa việc kết thúc đẩy tiêu dùng thành một trọng tâm chính sách quan trọng. Tuy nhiên, hội nghị đã cho thấy rõ rằng Bắc Kinh sẽ không ra một gói kích cầu lớn nào - điều mà giới quan sát cho là còn thiếu để vực dậy tăng trưởng kinh tế sau khi bong bóng bất động sản xì hơi.

Theo hãng tin Bloomberg, ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang dựa vào sản xuất công nghiệp để tăng trưởng, và các số liệu thống kê công bố trong tuần này sẽ phản ánh động lực tăng trưởng đó đang mạnh, yếu ra sao.

Các số liệu này bao gồm thống kê xuất khẩu công bố vào ngày thứ Tư. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc có thể đã tăng tốc trong tháng 7, cho thấy thương mại tiếp tục là một điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế.

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái - một nguyên nhân khiến cước vận tải container toàn cầu tăng gấp 4 lần, theo dữ liệu của công ty NCFI. Xuất khẩu của Trung Quốc - từ ô tô, thép cho tới hàng tiêu dùng - tăng mạnh mẽ. Đây là một hệ quả của việc tiêu dùng trong nước không đủ để hấp thụ hết công suất sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, triển vọng của thời gian tới được cho là thiếu rõ ràng. Dữ liệu từ các cuộc khảo sát ngành sản xuất gần đây khá bấp bênh, cho thấy sự suy giảm hoạt động nói chung tại các nhà máy. Một thước đo gây nhiều lo ngại là chỉ số Caixin - một chỉ số có tỷ trọng cao hơn của các công ty tư nhân và doanh nghiệp xuất khẩu - cho thấy hoạt động trong tháng 7 vừa qua bất ngờ giảm lần đầu tiên sau 8 tháng tăng liên tiếp.

Lợi nhuận của các công ty xuất khẩu của Trung Quốc cũng đang có chiều hướng suy giảm. Dù khối lượng hàng hóa xuất khẩu tăng, không phải doanh nghiệp nào cũng có lãi vì họ phải giảm giá bán hàng.

Cũng trong tuần này, Trung Quốc sẽ công bố số liệu lạm phát. Trong đó, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) được dự báo sẽ giảm tháng thứ 22 liên tiếp.

Các nhà kinh tế của ngân hàng Citi mới đây đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cả năm nay còn 4,8% từ 5% trước đó. Nhà kinh tế Wang Tao của UBS cho rằng đang có một số rủi ro đối với mức dự báo tăng trưởng 4,9% mà ngân hàng Thụy Sỹ này đưa ra cho Trung Quốc năm nay.

Nguồn: TBKTVN