Lý do khiến Mỹ thận trọng với ô tô điện Trung Quốc

Để đạt mục tiêu này, chính quyền của ông đang triển khai nhiều biện pháp khác nhau, từ siết chặt quy định về khí thải ô tô cho tới chi các khoản trợ cấp hào phóng có thể lên tới 7.500 USD cho người mua ô tô điện.

Theo tờ New York Times, các trợ lý của ông Biden nhất trí rằng ô tô điện sẽ bán chạy hơn nếu có giá mềm hơn. Hiện tại, giá bán lẻ bình quân của ô tô chạy điện ở Mỹ là hơn 53.000 USD. Mà nói về xe điện giá rẻ, không thể không nói đến các sản phẩm “Made in China” - những chiếc xe đang làm mưa làm gió ở châu Âu. Nếu được nhập khẩu ồ ạt vào Mỹ, ô tô điện Trung Quốc - với mức giá có thể rẻ tới 10.000 USD - nhiều khả năng sẽ được ưa chuộng không kém tại thị trường bên kia bờ Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, ông Biden và chính quyền của ông không muốn người Mỹ mua xe điện có xuất xứ từ Trung Quốc. Sự thận trọng này duy trì ngay cả khi việc mở rộng cửa cho xe điện Trung Quốc có thể giúp kéo giá ô tô nói chung ở Mỹ giảm mạnh - một sự chuyển biến có thể giải tỏa bớt áp lực lạm phát và gia tăng khả năng tái đắc cử cho vị Tổng thống đến từ Đảng Dân chủ, trong bối cảnh lạm phát đang là mối lo kinh tế lớn nhất của cử tri Mỹ trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay.

Thay vào đó, ông Biden đang triển khai các biện pháp nhằm khiến cho ô tô điện Trung Quốc trở nên đắt đỏ. Trong tháng 5 này, ông đã ký một quyết định tăng gấp 4 lần thuế quan áp lên xe điện Trung Quốc, từ 25% lên 100%. Mức thuế mới này sẽ khiến nhiều sản phẩm ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc bị đặt vào vị thế bất lợi về giá cả so với ô tô điện sản xuất tại Mỹ. Tuy nhiên, một số mẫu xe - chẳng hạn chiếc BYD Seagull - vẫn có thể có giá rẻ hơn nhiều so với xe Mỹ sau khi đã tính thuế nhập khẩu. Đó là một lý do khiến nhiều nghị sỹ Dân chủ kêu gọi ông Biden ban lệnh cấm hoàn toàn đối với xe điện Trung Quốc.

Nguyên nhân chính khiến ông Biden dựng hàng rào thuế quan đối với ô tô điện Trung Quốc là nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Tuy nhiên, việc đặt mối lo về khí hậu xuống sau nhu cầu bảo vệ nền sản xuất Mỹ trong trường hợp này đã dẫn tới tâm lý bất bình của các nhà hoạt động môi trường và các nhà kinh tế theo trường phái tự do - những người cho rằng nước Mỹ và thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu ông Biden mở rộng cánh cửa cho các công nghệ giá rẻ và ít gây ô nhiễm để làm lợi cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ông Biden và giới chức Mỹ phủ nhận ý tưởng này. Họ nói rằng nỗ lực hạn chế ô tô điện và các công nghệ sạch khác từ Trung Quốc là một sự ngăn ngừa quan trọng đối với các hành vi thương mại bất bình đẳng của Bắc Kinh. Họ cũng khẳng định phương pháp tiếp cận về thương mại của ông Biden rồi sẽ mang lại lợi ích cho công ăn việc làm và an ninh quốc gia Mỹ, đồng thời sẽ tốt cho thế giới.

Dưới đây là một số cân nhắc của chính quyền ông Biden trong việc thiết lập hàng rào thuế đối với ô tô điện Trung Quốc (theo New York Times).

XÓI MÒN VỊ THẾ ĐỘC QUYỀN MỚI CỦA TRUNG QUỐC

Trung Quốc hiện đã đạt tới vị thế thống lĩnh về sản xuất trong nhiều lĩnh vực năng lượng sạch như tấm pin năng lượng mặt trời và pin xe. Mỹ muốn ngăn Trung Quốc giành được thế độc quyền trong những ngành công nghiệp tương tự như ô tô điện vì một số lý do.

Đầu tiên phải kể đến mối lo về khí hậu. Giới chức chính quyền ông Biden nói rằng các nhà máy của Trung Quốc, thường được cung cấp năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như than, có mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn hơn so với các nhà máy của Mỹ.

Thứ hai, vấn đề kinh tế cũng là một lý do quan trọng phải kể đến. Mỹ muốn đảm bảo có được nguồn cung ứng ổn định các sản phẩm ô tô điện ở mức giá phù hợp. Đại dịch Covid-19 đã làm lộ ra sự mong manh của các chuỗi cung ứng trên toàn cầu, khi các mặt hàng quan trọng như linh kiện bán dẫn có những thời điểm rơi vào tình trạng gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác mà Mỹ từ lâu dựa vào để nhập khẩu những sản phẩm đó. Vì những gián đoạn này, giá nhiều sản phẩm tiêu dùng ở Mỹ có sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã tăng mạnh, góp phần dẫn tới lạm phát ở Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ.

Chính quyền ông Biden muốn câu chuyện tương tự xảy ra với ô tô điện. Việc tập trung nguồn cung xe điện và các công nghệ xanh tiên tiến khác vào Trung Quốc sẽ đặt ra rủi ro đối với “khả năng tập thể của thế giới trong việc tiếp cận với các công nghệ xanh cần thiết để đạt được thành công trong một nền kinh tế năng lượng sạch” - lời của ông Ali Zaidi, cố vấn khí hậu quốc gia của ông Biden.

TĂNG CƯỜNG AN NINH QUỐC GIA

Giới chức trong chính quyền ông Biden nói rằng không phải họ đang tìm cách đưa toàn bộ chuỗi cung ứng ô tô điện của thế giới về Mỹ. Họ lấy dẫn chứng là việc Mỹ đã và đang thiết lập các thỏa thuận với đồng minh về cung ứng các khoáng sản cần thiết cho việc sản xuất pin, đồng thời khuyến khích các nước châu Âu cũng như các quốc gia khác trợ cấp cho sản xuất công nghệ sạch ở mỗi nước. Tuy nhiên, Mỹ đặc biệt lo ngại về ảnh hưởng an ninh tiềm tàng từ việc một đối thủ lớn như Trung Quốc chiếm vị thế thống lĩnh trong lĩnh vực này.

Chính phủ Mỹ đã khởi động các cuộc điều tra về khả năng phần mềm và phần cứng của ô tô thông minh nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có ô tô điện, có thể theo dõi các vị trí của Mỹ và truyền thông tin thu thập được về Trung Quốc. Một số nhà kinh tế học cũng tính đến khả năng Trung Quốc tại một thời điểm nào đó - vì các mục đích chiến lược - bất ngờ dừng cho phép Mỹ tiếp cận với ô tô mới từ Trung Quốc hoặc các linh kiện ô tô chủ chốt.

Theo bà Elizabeth Pancotti, Giám đốc phụ trách các sáng kiến đặc biệt tại Viện Roosevelt - một tổ chức nghiên cứu ở Washington DC - việc để Trung Quốc thống lĩnh trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện có thể dẫn tới lặp lại những thách thức kinh tế và an ninh đã tồn tại từ lâu liên quan đến ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trên cơ sở đánh giá này, bà Pancotti ủng hộ các chính sách của ông Biden đối với ô tô điện Trung Quốc.

Trong suốt nhiều thập kỷ, nước Mỹ đã phải chật vật ứng phó với việc các nước sản xuất dầu lửa kém thân thiện với Mỹ - bao gồm nhiều thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - cắt giảm sản lượng dầu để đẩy giá dầu tăng. “Trung Quốc có thể áp dụng chiến thuật tương tự đối với ô tô điện nếu muốn loại bỏ các quốc gia khác khỏi cuộc chơi này. Nếu điều đó xảy ra, việc đảo ngược sẽ thực sự khó khăn”, bà Pancotti nhấn mạnh.

ÔNG BIDEN CẦN CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG ĐỂ TẠO CÔNG ĂN VIỆC LÀM

Yếu tố chính trị luôn giữ một vai trò lớn trong các quyết sách của ông Biden. Ông cam kết rằng chương trình khí hậu của ông sẽ giúp tạo công ăn việc làm - là những công việc có thu nhập tốt cho công nhân trong ngành sản xuất, bao gồm ở những bang như Pennsylvania và Michigan, vốn là những bang “chiến địa” quan trọng có thể quyết định cán cân phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Ông Biden là một người ủng hộ mạnh mẽ các tổ chức công đoàn và đang kỳ vọng giành nhiều phiếu của công nhân công đoàn để thắng ở các bang “chiến địa”. Ông đã cam kết rằng cuộc chuyển đổi xanh sẽ mang lại sức mạnh cho các tổ chức công đoàn. Ông tin tưởng rằng sự ủng hộ mà các nghiệp đoàn dành cho chương trình thuế quan nhằm bảo vệ công ăn việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ sẽ lấn át sự chỉ trích của các nhà hoạt động môi trường - những người muốn đẩy nhanh tiến trình giảm khí thải.

“Trở lại thời điểm năm 2000, khi thép giá rẻ từ Trung Quốc bắt đầu tràn ngập thị trường, những vùng sản xuất thép ở các bang Pennsylvania và Ohio đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Công nhân sắt thép ở các bang này đã mất việc làm. Tôi sẽ không để câu chuyện tương tự xảy ra thêm một lần nữa”, ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng khi công bố kế hoạch áp thuế quan lên ô tô điện Trung Quốc.

Nguồn: TBKTVN