Nasdaq lập kỷ lục mới nhờ cổ phiếu chip tăng mạnh, giá dầu giảm trong lúc chờ tin Iran

Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai (20/5) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, khi nhà đầu tư nghiền ngẫm những phát biểu cứng rắn của giới chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong bối cảnh có những bằng chứng cho thấy lạm phát xuống thang. Giá dầu thô giảm trong lúc thị trường đánh giá các diễn biến ở Iran sau cái chết của Tổng thống Ebrahim Raisi.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 196,82 điểm, tương đương giảm 0,49%, còn 39.806,77 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,09%, đạt 5.308,13 điểm. Chỉ số Nasdaq lập kỷ lục khi tăng 0,65% lên 16.794,87 điểm.

Mức đỉnh lịch sử  của Nasdaq được thiết lập nhờ cú huých từ loạt cổ phiếu chip, dẫn đầu là Nvidia. Trước khi hãng sản xuất chất bán dẫn khổng lồ này dự kiến công bố kết quả kinh doanh quý 1 vào ngày thứ Tư, cổ phiếu của hãng tăng 2% trong phiên đầu tuần.

Trong khi đó, Dow Jones không giữ được mức chủ chốt 40.000 điểm sau khi đóng cửa lần đầu tiên trên ngưỡng này trong phiên ngày thứ Sáu vừa rồi.

“Nếu không nhờ cổ phiếu Nvidia tăng, thị trường đã yếu hơn trong phiên này. S&P 500 đang cao hơn 11% so với ngưỡng bình quân 200 ngày, cho thấy chỉ số đang bị kéo căng quá mức. Tuần này, thị trường sẽ giằng co đi ngang, và sự chú ý sẽ dồn vào Nvidia”, nhà quản lý danh mục Jay Hatfield của công ty InfraCap ở New York nhận định với hãng tin Reuters.

Nvidia đang là cổ phiếu “ngôi sao” trong số các cổ phiếu có liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) - công nghệ tạo ra một “cơn sốt” ở Phố Wall trong khoảng 1 năm rưỡi trở lại đây. Cổ phiếu này đã tăng 91,4% trong năm nay và tăng 203,2% trong vòng 12 tháng qua. Với mức tăng như vậy, Nvidia đang là công ty có vốn hoá lớn thứ ba trong S&P 500, đạt 2,3 nghìn tỷ USD.

Sau một vài phiên hứng khởi gần đây nhờ niềm tin rằng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9 năm nay, nhà đầu tư ở Phố Wall đang trở nên thận trọng hơn. Họ nghiền ngẫm phát biểu của các quan chức Fed phản ánh quan điểm thận trọng về tiến trình giảm lạm phát và thời điểm có thể tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ.

Phát biểu ngày thứ Hai, Phó chủ tịch Fed Philip Jefferson nói còn quá sớm để kết luận sự giảm lạm phát có bền vững hay không. Một vị Phó chủ tịch khác của Fed là ông Michael Barr nói chính sách tiền tệ thắt chặt cần duy trì thêm một thời gian. Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic, nói sẽ mất một thời gian để ngân hàng trung ương này tin tưởng rằng lạm phát thực sự giảm bền vững.

“Thị trường có những điều phi lý. Vào đầu năm, họ kỳ vọng 6 lần giảm lãi suất trong năm nay, rồi sau đó, họ lại lo Fed còn tăng lãi suất thêm nữa. Bây giờ, các chỉ số có lẽ sẽ tăng ì ạch chừng nào nhà đầu tư còn tin rằng động thái tiếp theo của Fed sẽ là giảm lãi suất và việc giảm đó sẽ diễn ra tại một thời điểm nào đó trong năm nay”, ông Hatfield nói.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 6 tại New York giảm 0,27 USD/thùng, tương đương giảm 0,32%, còn 79,8 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 7 tại London giảm 0,26 USD/thùng, tương đương giảm 0,32%, còn 83,71 USD/thùng.

Hôm Chủ nhật, Tổng thống Raisi và Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay trực thăng ở nước này trong điều kiện thời tiết xấu. Giới phân tích cho rằng chính sách của Iran sẽ không thay đổi, trong bối cảnh Phó tổng thống Mohammad Mokhber trở thành Tổng thống tạm quyền và nước này chuẩn bị cho một cuộc bầu cử mới trong vòng 50 ngày.

Iran là nước sản xuất dầu lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC).

Trong khi đó, tại quốc gia giữ vai trò thủ lĩnh không chính thức của OPEC là Saudi Arabia, nhà vua Salman đang trải qua một cuộc phẫu thuật do viêm phổi.

Giá dầu đã tăng nhẹ trong tuần trước nhưng vẫn đang kẹt trong một vùng hẹp do thiếu chất xúc tác để bứt phá. Triển vọng kinh tế toàn cầu còn thiếu rõ ràng, cộng thêm căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông xuống thang gần đây khiến giá dầu đuối sức. Dù vậy, giá dầu WTI đã tăng 11,3% trong năm nay, trong khi giá dầu Brent tăng 8,6%.

Theo dự kiến, liên minh OPEC+ giữa OPEC và một số thành viên ngoài khối gồm Nga sẽ tiến hành cuộc họp vào ngày 1/6 để rà soát chính sách sản lượng. Các thành viên OPEC+ đang thực thi kế hoạch giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu. Nhiều khả năng, kế hoạch này sẽ được liên minh gia hạn cho tới hết năm nay trong cuộc họp sắp tới.

Nguồn: TBKTVN