Ngành dệt may Bangladesh đứng trước thay đổi lớn

Ngành công nghiệp dệt may, vốn do phụ nữ chiếm ưu thế tại Bangladesh, đang dần thay đổi khi các chủ nhà máy chấp nhận tuyển dụng bình đẳng giữa nam và nữ. Quyết định này không chỉ nhằm đối phó với tình trạng thất nghiệp gia tăng, mà còn đáp ứng yêu cầu từ phía công nhân.

Đây là một trong 18 yêu cầu mà người lao động đưa ra, bao gồm cả việc thiết lập cơ cấu lương mới để tăng thu nhập và giúp họ đối phó với lạm phát. Những yêu cầu này đã được các chủ nhà máy chấp nhận vào cuối tháng 9, sau một tháng biểu tình.

Yêu cầu về cơ hội việc làm bình đẳng chủ yếu xuất phát từ các công nhân nam. Tại quốc gia với 171,2 triệu dân, tình trạng thất nghiệp ngày càng nghiêm trọng, có 2,64 triệu người không có việc làm tính đến tháng 6, theo số liệu từ Cục Thống kê Bangladesh.

Ông Syed Nazrul Islam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất và Xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), giải thích rằng ngành dệt may toàn cầu chủ yếu tuyển dụng phụ nữ vì có khả năng xử lý tốt các công việc thời trang tinh tế. Trong khi đó, nam giới được cho là phù hợp với các công việc nặng nhọc hơn như là ủi.

Ngành dệt may đã góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội Bangladesh. Tuy nhiên, tỉ lệ lao động nữ trong ngành đã giảm xuống còn khoảng 57%, so với mức khoảng 80% vào những năm 1990, theo báo cáo của tổ chức Mapped in Bangladesh.

Dữ liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và các dữ liệu khác cho thấy ở những quốc gia sản xuất quần áo khác như Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam, Pakistan và Ấn Độ, phụ nữ vẫn chiếm ưu thế trong lực lượng lao động dệt may. Phụ nữ chiếm hơn 80% lao động tại Campuchia, 79% tại Việt Nam và 70% tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, Bangladesh có thể sẽ đi theo một hướng khác. "Chúng tôi cần cân nhắc yêu cầu mới này dựa trên tình hình thực tế”, ông Islam nhận định, đồng thời cho rằng ngành công nghiệp nên ưu tiên tuyển dụng lao động nam trong các đợt tuyển dụng sắp tới.

Ông Khondaker Golam Moazzem, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) ở Dhaka, cảnh báo việc tuyển dụng bình đẳng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ông cho rằng ngành dệt may cạnh tranh cao đến mức các doanh nghiệp không thể mạo hiểm tuyển dụng bình đẳng giữa nam và nữ do rủi ro về năng suất.

“Việc tuyển dụng bình đẳng dưới danh nghĩa chống phân biệt là không phù hợp trong ngành này. Thay vào đó, việc tuyển dụng theo năng lực sẽ giúp ngành duy trì khả năng cạnh tranh”, ông nói.

Đồng thời, ông cũng chỉ ra rằng các chủ nhà máy hiện đang duy trì cơ sở dữ liệu sinh trắc học để quản lý công nhân, đặc biệt là những người tham gia vào các phong trào lao động. Những người bị đưa vào danh sách đen sẽ gặp khó khăn lớn trong việc tìm việc làm trong ngành dệt may.

Bà Kalpona Akter, Giám đốc Điều hành Trung tâm Đoàn kết Công nhân Bangladesh, cho biết các chủ nhà máy thường không muốn tuyển dụng lao động nam vì họ là những người dẫn đầu các cuộc biểu tình lao động. "Công nhân nam thường bị sách nhiễu nhiều hơn khi có phong trào lao động, bao gồm cả việc bị cảnh sát điều tra và đưa vào danh sách đen, khiến họ không thể tiếp tục làm việc trong ngành", bà nói.

Đây chính là lý do mà người lao động đang yêu cầu quyền tuyển dụng bình đẳng, hoặc ít nhất là không có sự phân biệt giới tính trong quá trình tuyển dụng.

Nguồn Nikkei Asia - Nhipcaudautu