Ngập trong hàng giá rẻ Trung Quốc, các nước Đông Nam Á đang làm gì?

Tại tỉnh Lampang của Thái Lan, khoảng 50% các nhà máy sản xuất gốm đã bị đóng cửa. Còn tại Indonesia, hàng nghìn công nhân dệt may đã mất việc. Trong khi đó, các nhà sản xuất ở Malaysia cho rằng quyết định áp thuế 10% với lĩnh vực thương mại điện tử không tác động nhiều tới làn sóng hàng giá rẻ Trung Quốc vào quốc gia này.

Đối với ông Meelarp Tangsuwana, người mở nhà máy gốm 35 năm trước, tình hình ngày càng khó khăn. Cũng giống nhiều nhà máy khác tại Lampang, công ty của ông Tangsuwana chuyên sản xuất tô canh vẽ tay, bán với giá 18 baht (khoảng 0,5 USD) cho các sạp đồ ăn bán rong trên khắp Thái Lan. Tuy nhiên, hàng gốm sứ giá rẻ từ Trung Quốc đang ngập tràn thị trường nước này, trong đó những chiếc bát đại trà không có tính nghệ thuật có giá chỉ hơn 8 baht.

“Tôi không hiểu sao họ có thể đẩy giá bán xuống mức đó”, ông Meelarp nói.

Nỗi tuyệt vọng của các nhà sản xuất như ông Meelarp lan khắp trong khu vực, nơi các nhà sản xuất dệt may, mỹ phẩm, điện tử, dụng cụ bếp không cạnh tranh nổi với đối thủ Trung Quốc. Với chuỗi cung ứng tự động hóa cao, các công ty Trung Quốc đang miệt mài tìm kiếm các thị trường mới trong bối cảnh thị trường nội địa ảm đạm và điều này đang làm thay đổi cục hoàn toàn cục diện cạnh tranh tại khu vực Đông Nam Á.

“Vì hàng Trung Quốc ngày càng khó tiếp cận các thị trường phương Tây, Đông Nam Á đang trở thành điểm đến quan trọng”, ông Muhammad Zulfikar Rakhmat, giám đốc phụ trách bộ phận Trung Quốc-Indonesia của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và pháp luật (CELS) có trụ sở tại Jakarta, Indonesia, nhận xét.

ÁP LỰC CẠNH TRANH VỚI HÀNG GIÁ RẺ TRUNG QUỐC

Làn sóng hàng hóa giá rẻ Trung Quốc chảy vào Đông Nam Á được thúc đẩy mạnh mẽ bởi vị thế của Trung Quốc là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, các tuyến đường sắt mới cũng như các cảng biển hiện đại ở quốc gia này. Cùng với đó là một mạng lưới phức tạp các hiệp định thương mại tự do – từ Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN cho tới Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – càng mở rộng đường cho hàng hóa Trung Quốc ngập tràn các thị trường Đông Nam Á.

Một phụ nữ đang trang trí đồ gốm tại một xưởng gốm thủ công ở Thái Lan. Các nghệ nhân Thái Lan lo cho tương lai của ngành trong bối cảnh hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào Thái Lan - Ảnh: AFP

Một phụ nữ đang trang trí đồ gốm tại một xưởng gốm thủ công ở Thái Lan. Các nghệ nhân Thái Lan lo cho tương lai của ngành trong bối cảnh hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào Thái Lan - Ảnh: AFP

“Các nhà sản xuất Trung Quốc rất giỏi tận dụng lợi thế về quy mô và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử”, giáo sư kinh tế Yeah Kim Leng của Đại học Sunway (Malaysia) nhận định.

Tuy nhiên, với những nghệ nhân như ông Meelarp, mối lo về tương lai ngành gốm Thái Lan cũng như tương lai của hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan ngày càng lớn.

Do Chính phủ không có các động thái quyết liệt như áp thuế quan, chống bán phá giá hay triệt phá hành vi bất hợp pháp, những công ty như của ông Meelarp không biết trông vào đâu.

“Chúng tôi cũng như các cơ sở thủ công khác giờ đây trông hoàn toàn vào sự bảo vệ của chính phủ”, vị doanh nhân chia sẻ.

Trước tình trạng đóng cửa doanh nghiệp đáng báo động, Chính phủ Thái Lan gần đây có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc sau nhiều năm liên tục thúc đẩy quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của mình thông qua các cơ chế tiếp cận qua lại, đầu tư hậu cần và thỏa thuận miễn thị thực.

Kể từ sau đại dịch Covid-19, các công ty Trung Quốc đã thổi một luồng sinh khí mới vào một phần nền kinh tế trì trệ của Thái Lan. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng Thái Lan – giống như các quốc gia thuộc ASEAN khác – giờ đây phải cân bằng giữa việc bảo vệ doanh nghiệp nội địa và tuân thủ các hiệp định thương mại mà họ đã ký kết.

Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cam kết sẽ xử mạnh tay với hàng nhập lậu và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trước làn sóng hàng giá rẻ từ nước ngoài. Các sàn thương mại điện tử lớn tại Thái Lan như Temu đang chịu sự giám sát nghiêm ngặt vì họ được xem là có vai trò lớn trong việc thúc đẩy hàng giá rẻ. Các sàn nước ngoài nhiều khả năng sẽ bị buộc phải đăng ký doanh nghiệp tại nước sở tại và đối mặt mức thuế cao hơn.

CẦN HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT

Vào cuối tháng 8, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra kêu gọi hành động bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nước này vẫn đang chật vật để tồn tại bởi các biện pháp của nhà chức trách chưa mang lại hiệu quả.

“Họ (doanh nghiệp Trung Quốc) không đến đây để làm ăn với chúng ta mà đến để giết chết doanh nghiệp của chúng ta”, ông Thongyu Khongkan, chủ tịch Hiệp hội vận tải đường bộ Thái Lan, nói với tờ This Week in Asia.

Sự phẫn nộ của ông Thongyu là tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp ở Thái Lan, trong bối cảnh kim ngạch thương mại giữa nước này và Trung Quốc đạt 105,1 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm ngoái.

Các container xếp chồng lên nhau tại cảng Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc - Ảnh: Xinhua

Các container xếp chồng lên nhau tại cảng Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc - Ảnh: Xinhua

Khi ngày càng nhiều báo cáo về việc doanh nghiệp Thái Lan phải đóng cửa do cạnh tranh giá khốc liệt, đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok đã phản hồi bằng một đăng tải dài trên mạng xã hội.

“Trung Quốc và Thái Lan là hàng xóm tốt, chúng ta giống như gia đình. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan và chúng tôi cũng là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Thái Lan. Trong những năm qua, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 40% nông sản xuất khẩu của Thái Lan”, đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan viết trên trang Facebook chính thức. “Về hàng giá rẻ, đa số là hàng tiêu dùng hàng ngày, thực phẩm, đồ dùng chăm sóc sức khỏe, trang sức, quần áo – những mặt hàng thậm chí không chiếm 10% tổng hàng nhập khẩu của Thái Lan từ Trung Quốc. Và chúng cũng chỉ tương đương 50% nông sản mà Thái Lan xuất sang Trung Quốc”.

Đại sự quán cũng cho biết Chính phủ Trung Quốc kêu gọi người dân và doanh nghiệp nước này tuân thủ pháp luật khi làm ăn tại các quốc gia khác và đề nghị Chính phủ Thái Lan thực thi nghiêm ngặt luật pháp sở tại, hỗ trợ cho các nền tảng thương mại điện tử mới và tận dụng cơ hội của kỷ nguyên internet.

Tuy nhiên, các cuộc khám xét của cảnh sát Thái Lan ở Bangkok, thu giữ hàng triệu baht mỹ phẩm nhập lậu cùng hàng hóa khác từ Trung Quốc, lại cho thấy góc nhìn khác. Nhiều người tiêu dùng Thái Lan đang kêu gọi “mua hàng nội” để chống lại hàng phá giá của Trung Quốc trên thị trường.

Ông Thongyu của Hiệp hội vận tải đường bộ Thái Lan cảnh báo rằng một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Thái Lan – đặc biệt là hậu cần – đã rơi vào tay các doanh nghiệp Trung Quốc với làn sóng được gọi là “vận tải 0 đôla”. Đây là cụm từ mô tả nền kinh tế tuần hoàn mà ở đó các công ty bình phong của Trung Quốc trả tiền cho các nhà cung cấp Trung Quốc để vận chuyển hàng hóa trên các xe tải do phía Trung Quốc sở hữu.

“Tôi từng chở xe tải sầu riêng sang Lào với giá 80.000 baht (2.330 USD), nhưng các công ty Trung Quốc đang vận tải với giá rẻ hơn, chỉ với 30.000 baht/chuyến. Đây là mức cước mà các doanh nghiệp Thái Lan không thể cạnh tranh được”, ông Thongyu cho biết. “Không chỉ thế, doanh nghiệp Thái đang trả 250 baht/m2 nhà kho, trong khi doanh nghiệp Trung Quốc chỉ phải trả 70 baht”.

Theo ông Thongyu, nhiều công ty hậu cần của Thái Lan đã bị đối thủ Trung Quốc mua lại và trở thành bình phong để phía Trung Quốc lách luật và trốn thuế.

Trong khi đó, tại Indonesia, vào tháng 7, hàng loạt công nhân dệt may đã đổ xuống đường phố thủ đô Jakarta, yêu cầu nhà chức trách có hành động hỗ trợ trước làn sóng quần áo và dệt may giá rẻ lan tràn trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada và TikTok Shop.

Theo Liên đoàn Công đoàn Nusantara, 7 tháng đầu năm nay, ít nhất 12 nhà máy dệt may tại thành phố Nusantara đã bị đóng cửa, khiến hơn 13.000 người mất việc.

Các cuộc biểu tình khiến Chính phủ Indonesia phải áp đặt thuế quan mới, từ 100-200%, với một số mặt hàng Trung Quốc, bao gồm dệt may, quần áo, giày dép, gốm sứ và điện tử.

“Mỹ có thể áp thuế quan 200% với gốm sứ hoặc quần áo nhập khẩu, thì chúng tôi cũng có thể làm vậy”, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan khẳng định hồi tháng 7.

Ông cũng cảnh báo rằng nếu Indonesia tiếp tục “ngập trong hàng nhập khẩu”, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước có thể đối mặt nguy cơ sụp đổ. Theo số liệu chính thức, doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp khoảng 60% GDP của Indonesia và tạo việc làm cho khoảng 120 triệu người.

Nguồn: TBKTVN