Những thành phố đáng sống nhất thế giới

Thủ đô Vienna của Áo - Ảnh: Bloomberg.

Thủ đô Vienna của Áo - Ảnh: Bloomberg.

Thủ đô Vienna của Áo năm thứ ba liên tiếp được chọn là thành phố đáng sống nhất thế giới - theo một xếp hạng vừa được công bố của tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc tạp chí The Economist.

Bản báo cáo thường niên khảo sát 173 thành phố trên toàn cầu dựa trên 30 tiêu chí thuộc 5 nhóm: sự ổn định, chăm sóc y tế, văn hóa và môi trường, giáo dục, và hạ tầng.

Nhờ giành điểm số hoàn hảo ở các nhóm tiêu chí gồm ổn định, chăm sóc y tế, giáo dục và hạ tầng, Vienna giành vị trí số 1 của xếp hạng năm nay. Xếp ngay sau Vienna là các thành phố nổi tiếng khác của châu Âu, gồm Copenhagen của Đan Mạch ở vị trí thứ hai, và Zurich, Thụy Sỹ ở vị trí thứ ba.

Điểm số tổng thể của Vienna bị ảnh hưởng nhẹ ở nhóm tiêu chí văn hóa và môi trường “do thiếu vắng các sự kiện thể thao lớn”, theo Chỉ số đáng sống toàn cầu (Global Liveability Index) 2024 của EIU.

“Chỉ số đáng sống toàn cầu của EIU đã tăng nhẹ trong vòng 1 năm qua. Sự suy giảm trong các nhóm tiêu chí ổn định và hạ tầng tại một số thành phố thuộc các nền kinh tế phát triển đã được bù đắp bởi sự cải thiện mang tính cấu trúc trong các nhóm tiêu chí về y tế và giáo dục tại một số thành phố thuộc các nền kinh tế đang phát triển”, báo cáo của EIU có đoạn viết.

Dưới đây là 10 thành phố đáng sống nhất thế giới theo xếp hạng của EIU:

1. Vienna, Áo;

2. Copenhagen, Đan Mạch;

3. Zurich, Thụy Sỹ;

4. Melbourne, Australia;

5. Calgary, Canada;

6. Geneva, Thụy Sỹ;

7. Sydney, Australia;

8. Vancouver, Canada;

9. Osaka, Nhật Bản;

10. Auckland, New Zealand.

Có 4 thành phố thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương lọt vào top 10 của năm nay, gồm: Melbourne và Sydney của Australia, Osaka của Nhật Bản và Auckland của New Zealand.

Melbourne, Sydney và Vancouver đều nằm trong top 10 của xếp hạng năm nay, nhưng điểm số của ba thành phố này đều có sự giảm sút do tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng của nguồn cung nhà - theo EIU. Cũng vì lý do tương tự, Toronto của Canada tụt xuống vị trí thứ 12 sau khi lọt top 10 trong 2 năm liên tiếp.

Tây Âu được đánh giá là khu vực đáng sống nhất thế giới, đạt điểm số 92/100. Tuy nhiên, điểm số của khu vực này đã giảm so với năm ngoái do số vụ biểu tình và tội phạm gia tăng - yếu tố dẫn tới suy giảm điểm số ở hạng mục sự ổn định.

Bắc Mỹ là khu vực đáng sống thứ hai thế giới, với điểm số 90,5/100, đồng thời đạt điểm số cao nhất ở hạng mục giáo dục. Theo EIU, cuộc khủng hoảng bất động sản ở Canada đã kéo lùi điểm số của khu vực này về cơ sở hạ tầng.

Các thành phố của châu Á tiếp tục thăng hạng về mức độ đáng sống. Đáng chú ý nhất là Hồng Kông nhảy từ vị trí 61 của xếp hạng năm ngoái lên vị trí 50 trong xếp hạng năm nay, trở thành thành phố thăng hạng mạnh nhất của báo cáo năm nay. “Dù chưa được điểm số như trước năm 2019, tình hình chính trị ở Hồng Kông đã ổn định trở lại, rủi ro gián đoạn do các cuộc biểu tình mới hiện chỉ còn rất thấp”, theo EIU.

Dưới đây là 10 thành phố đáng sống nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2024, theo EIU:

1. Melbourne, Australia (hạng 4 toàn cầu);

2. Sydney, Australia (7);

3. Osaka, Nhật Bản (đồng hạng 9);

4. Auckland, New Zealand (đồng hạng 9);

5. Adelaide, Australia (11);

6. Tokyo, Nhật Bản (14);

7. Perth, Australia (15);

8. Brisbane, Australia (16);

9. Wellington, New Zealand (20);

10. Singapore, Singapore (26).

Singapore tăng 8 bậc trong báo cáo năm nay, là thành phố thăng hạng mạnh thứ nhì. Tp.HCM và Budapest - thủ đô của Hungary - cùng tăng 7 bậc, mạnh thứ ba. Tp.HCM xếp hạng 133 toàn cầu, với điểm số 61,9 điểm, tăng 1,6 điểm so với năm ngoái.

Trong khi đó, các thành phố của Ấn Độ chứng kiến sự suy giảm của điểm số đáng sống, một phần do chất lượng không khí kém ở nước này. “Phát triển hạ tầng là một ưu tiên của Chính phủ Ấn Độ, nhưng xét tới yếu tố diện tích và địa lý, việc này sẽ cần nhiều thời gian”, báo cáo của EIU nhận định.

“Trong số 58 thành phố châu Á trong xếp hạng, có 16 thành phố đạt mức điểm trên 80. Tuy nhiên, 11 thành phố có điểm số dưới 60, mức điểm mà chúng tôi đánh giá là mức độ đáng sống bị hạn chế nghiêm trọng. Đó là những thành phố đang chật vật với các vấn đề cấu trúc, chính trị và khí hậu khó có thể khắc phục”, chuyên gia Barsali Bhattacharyya của EI nhận định.

Chiếm đa số trong nhóm 10 thành phố “đội sổ” trong xếp hạng là những cái tên ở khu vực tiểu sa mạc Sahara, Trung Đông, và Bắc Phi. Damacus của Syria và Tripoli của Libya đứng cuối cùng trong danh sách, do nội chiến gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Thủ đô Kiev của Ukraine đứng ở vị trí thành phố ít đáng sống thứ 9 trên thế giới do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.

Thủ đô Tel Aviv của Israel là thành phố tụt hạng mạnh nhất năm nay, giảm 20 bậc xuống vị trí 112 toàn cầu, do cuộc chiến tranh với Hamas

Nguồn: TBKTVN