Nỗ lực níu kéo du khách nước ngoài của Trung Quốc

Thú vị, an toàn và dễ dàng di chuyển, Trung Quốc có đủ những yếu tố cần thiết để trở thành điểm đến du lịch hàng đầu ở châu Á. Quả thực là như vậy. Trong nửa đầu năm 2019, trước khi COVID-19 tấn công, các công ty lữ hành của Trung Quốc đã tiếp đón 8,6 triệu lượt khách du lịch, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực. Trung Quốc cũng đã ghi nhận 47,7 triệu lượt xuất nhập cảnh của người nước ngoài, bao gồm cả những người không phải khách du lịch, trong giai đoạn đó. Nhưng sau khi giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch, những con số đó vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, lần lượt đạt 3,1 triệu và 29,2 triệu trong nửa đầu năm nay.

Điều này quan trọng với Trung Quốc, không chỉ vì niềm tự hào khi là điểm đến hàng đầu của châu Á. Chính phủ cũng đang cố gắng khởi động nền kinh tế  và muốn khách du lịch nước ngoài là một phần động lực. Năm 2019, chi tiêu của họ chiếm 0,5% GDP ở Trung Quốc, so với 0,9% ở Nhật Bản, 1,1% ở Mỹ và 2,5% ở Pháp. Trong mắt các quan chức Trung Quốc, vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Nhưng trước tiên, họ phải làm cho đất nước mình hấp dẫn trở lại.

 

Theo phân tích của The Economist, dựa trên dữ liệu từ công ty tư vấn OAG, có nhiều du khách nước ngoài đã giảm thiểu việc du lịch đến Trung Quốc. Trong đó, sự sụt giảm lớn nhất đến từ Mỹ, giảm 2/3 trong nửa đầu năm nay, so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan tất cả đều là những "nhà cung cấp" khách du lịch lớn cũng giảm mạnh.

Trong thời kỳ đại dịch, Trung Quốc đã đóng cửa biên giới và áp dụng các hạn chế hà khắc để ngăn chặn dịch bệnh. Điều đó có thể đã khiến một số du khách có ấn tượng không tích cực về quốc gia này. Nó cũng dẫn đến sự sụt giảm số lượng chuyến bay đến Trung Quốc. Tính đến tháng 9, số ghế ngồi được lấp đầy hàng tháng cho các chuyến bay giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chỉ bằng 28% so với năm 2019. Các hãng hàng không quốc tế lớn của Mỹ American, Delta và United gần đây đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải ở Washington cho phép tạm ngưng hầu hết các tuyến bay của họ đến Trung Quốc vì nhu cầu thấp.

Một vấn đề lớn khác đối với các hãng hàng không là Nga. Đi qua không phận của nước này là cách nhanh nhất để bay đến Trung Quốc từ Mỹ và châu Âu. Nhưng hai năm trước, Mỹ, Canada, châu Âu và một số nơi khác đã cấm các hãng hàng không Nga xâm nhập không phận của họ, theo lệnh trừng phạt vì cuộc chiến Nga-Ukraine. Nga đã đáp trả tương tự. Điều đó đã kéo dài thời gian bay và đẩy giá lên cao đối với các hãng hàng không phương Tây. Chẳng hạn như British Airways, hãng đã khôi phục các chuyến bay giữa London và Bắc Kinh vào tháng 6 năm ngoái, sau ba năm gián đoạn vì đại dịch. Vào tháng 8 năm nay, hãng hàng không này cho biết họ sẽ lại đình chỉ tuyến bay này. Không có lý do nào được đưa ra, nhưng các báo cáo đã chỉ ra vấn đề về không phận của Nga.

Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng bù đắp bằng cách nới lỏng việc nhập cảnh. Trong năm qua, họ đã bắt đầu cho phép du khách từ 13 quốc gia châu Âu và một số quốc gia khác đến thăm trong tối đa 15 ngày mà không cần thị thực. Du khách từ hàng chục quốc gia có thể dừng chân tại Trung Quốc trong tối đa 6 ngày trước khi bay đến một quốc gia thứ ba. Các chương trình thử nghiệm này đang có hiệu quả: trong nửa đầu năm nay, 58% tổng số chuyến thăm đến Trung Quốc được thực hiện mà không cần thị thực, theo chính phủ.

 

Nhưng các viên chức thừa nhận rằng cần phải làm nhiều hơn nữa. Một lời phàn nàn phổ biến của khách du lịch là nhiều nhà cung cấp không chấp nhận tiền mặt hoặc thẻ tín dụng nước ngoài. Để mua hầu hết mọi thứ, du khách phải tải xuống một trong những ứng dụng thanh toán của quốc gia này, WeChat hoặc Alipay. Vì vậy, chính phủ đã phát hành hướng dẫn về cách sử dụng chúng. Ngôn ngữ là một vấn đề khác. Bên ngoài các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, rất ít người nói tiếng Anh. Và "tường lửa vĩ đại" của Trung Quốc ngăn du khách sử dụng các dịch vụ như Gmail và Facebook mà không có mạng ảo riêng.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất có thể là ấn tượng tiêu cực về Trung Quốc đang gia tăng ở nhiều nơi. Một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew tại Mỹ công bố năm ngoái cho thấy, trên 24 quốc gia, trung bình 67% người lớn bày tỏ quan điểm không thuận lợi về Trung Quốc, so với 28% có quan điểm thuận lợi. Những nhận thức tiêu cực chủ yếu tập trung ở các nước giàu hoặc những nước có nhiều khả năng đưa khách du lịch đến Trung Quốc. Ví dụ, tại Mỹ, một nửa số người được hỏi coi Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu, khiến nơi này không nằm trong lựa chọn của họ khi đi nghỉ dưỡng.

Nguồn The Economist - Nhipcaudautu