Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết,
sẽ giảm dần tỷ trọng vốn vay nước ngoài trong tổng mức đầu tư của dự án, đồng
thời, ưu tiên vay và cho vay lại đối với những dự án có khả năng thu hồi vốn.
Đây là chia sẻ của Bộ
trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại buổi tiếp phái đoàn Nhật Bản vừa diễn
ra.
Theo đó, Nhật Bản hiện
là đối tác phát triển song phương cung cấp vốn vay ODA, vay ưu đãi lớn nhất cho
Việt Nam, đồng thời cũng là đối tác cung cấp nguồn vốn quan trọng, chủ yếu cho
các dự án phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, năng lượng....
Cùng với đó, đầu tư
nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản luôn đứng thứ 2 trong các quốc gia và
vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
"Các điều kiện và
mức độ ưu đãi trong các khoản vay ODA của Nhật Bản cơ bản phù hợp với các ưu
tiên của Việt Nam để phát triển kinh tế xã hội trên tinh thần đảm bảo hài hòa
lợi ích, dựa trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp hai nước", Bộ trưởng Đinh
Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Bộ Tài
chính, trong giai đoạn 2018-2020, Việt Nam sẽ tiếp tục lựa chọn và chuẩn bị các
dự án đầu tư công có hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội mang tính bền
vững, đồng thời đảm bảo không vượt trần bội chi ngân sách và các chỉ tiêu an
toàn nợ công do Quốc hội phê duyệt.
Bên cạnh đó, Việt Nam
cũng tranh thủ tận dụng vốn ODA còn lại của các nhà tài trợ đa phương để tiếp
tục huy động và sử dụng cho phát triển cơ sở hạ tầng.
Cụ thể hơn, người đứng
đầu ngành tài chính cho biết, Việt Nam chỉ sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi cho
chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.
Vốn vay ODA ưu tiên sử
dụng cho các chương trình, dự án trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục
nghề nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng giao
thông thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp, có quy mô lớn, mang
tính lan tỏa cao, có tính chất liên vùng, phù hợp quy hoạch và thúc đẩy quá
trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng, miền trên cả nước.
Ngoài ra, sẽ ưu tiên
sử dụng nguồn vốn này cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, có khả năng tạo
ra nguồn thu để trả nợ; các dự án vay về để cho vay lại.
"Đối với một số
chương trình, dự án quan trọng cần ưu tiên và không có khả năng tạo nguồn thu
để trả nợ hoặc thuộc diện cấp phát khác, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết
định sử dụng vốn vay ưu đãi đối từng trường hợp cụ thể", Bộ trưởng Đinh
Tiến Dũng nhấn mạnh.
Về định hướng sử dụng
vốn ODA trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn
2021-2025, Việt Nam ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi như là đòn bẩy,
thúc đẩy, thu hút đầu tư tư nhân, không sử dụng vốn vay nước ngoài cho các dự
án mà tư nhân quan tâm, có khả năng thực hiện với công nghệ hiệu quả và chi phí
thấp hơn.
Việt Nam cũng sử dụng
nguồn vốn này với vai trò là "vốn mồi", chất xúc tác cho các nguồn
vốn trong nước, nhất là vốn đầu tư của khu vực tư nhân. Giảm dần tỷ trọng vốn
vay nước ngoài trong tổng mức đầu tư của dự án, đồng thời ưu tiên vay về cho vay
lại đối với những dự án có khả năng thu hồi vốn.
Nguồn: TBKTVN
|