Quay lại

Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Lào 2022: Tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Lào tương xứng với tiềm năng hai nước

Tham dự Diễn đàn có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh; đồng chí Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh; đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cùng hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành TP Hồ Chí Minh, các hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan báo đài; Về phía nước bạn Lào có sự tham dự của đồng chí Sonxay Siphandon, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; đại diện các bộ ngành trung ương Lào; lãnh đạo các tỉnh của Lào như tỉnh Khăm Muộn, Hủa Phăn, Savanakhet, Sekong, Champasak... và đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam kết nối mở rộng hợp tác.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, trong 60 năm qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đã vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung hiếm có. Đặc biệt, sau khi hai nước ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào năm 1977 trở lại đây, quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam tiếp tục được vun đắp, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước. Lào là thị trường tiềm năng rất lớn với doanh nghiệp TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung nhưng khai thác còn hạn chế. Thống kê cho thấy, Lào hiện là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam trong tổng số 78 quốc gia và vùng lãnh thổ mà doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư. Hiện Việt Nam có 240 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn 5,3 tỷ USD. Trong đó, riêng TPHCM đang có 44 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn 500 triệu USD.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam được Chính phủ Lào hỗ trợ đã đi vào hoạt động, đạt hiệu quả tốt, đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của Lào và được Chính phủ Lào ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, những con số đầu tư, giao thương trên chưa tương xứng với mối quan hệ mật thiết giữa hai nước, nhất là khi TP.HCM đã thiết lập mối quan hệ toàn diện với nhiều thành phố của Lào như Viêng Chăn, Savannakhet, Xiêng Khoảng... Do vậy, đề nghị doanh nghiệp hai bên cần tăng cường xúc tiến giao thương thông qua hội nghị, triển lãm, diễn đàn... để nâng chất hiệu quả hợp tác của doanh nghiệp hai bên.

Bà Phimpha Keomixay, Tổng lãnh sự Lào tại TP.HCM cho biết Lào - Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại song phương và Thương mại biên giới từ năm 2015. Lào luôn tăng cường xúc tiến và phát triển thương mại biên giới và dịch vụ thương mại kết nối với logistics quá cảnh với Việt Nam. Ngoài ra, hai nước đã phối hợp thực hiện ưu đãi thuế nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ hai nước cũng như danh mục hàng hóa được miễn thuế 0%, thể hiện kim ngạch thương mại giữa Lào - Việt Nam có sự tăng trưởng đáng chú ý. Những thành công của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực kinh doanh đã và đang kích thích các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như: ngân hàng, viễn thông, hãng hàng không... chuyển hướng đầu tư sang Lào ngày một nhiều hơn. Trong đó, nguồn vốn của Việt Nam vào thị trường này trong thời gian gần đây cũng không ngừng tăng. Việt Nam hiện nay đứng thứ ba trong số các quốc gia đầu tư tại Lào, với 211 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,2 tỷ USD. Đến nay nhiều dự án của doanh nghiệp Việt Nam đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, có đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của Lào và được Chính phủ hai nước ghi nhận, đánh giá cao.

Việc Chính phủ hai nước đã áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư linh hoạt, miễn thuế xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp hai nước đã tạo điều kiện rất thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư và phát triển mở rộng thị phần. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM, cho biết, đơn vị đang xúc tiến triển khai chương trình xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều với đối tác của Lào. Thông qua hệ thống bán lẻ, hàng hóa Việt Nam sẽ được hỗ trợ phân phối tiêu thụ tại Lào và ngược lại.

Bà Hứa Thị Bích Thu, đại diện Tập đoàn Indochina Holding, chia sẻ, doanh nghiệp mong muốn đầu tư dự án trồng cây cao lương và xây dựng nhà máy nông sản với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng tại tỉnh Xê Công. Đơn vị này cũng huy động 2.000 tỷ đồng để đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp sân golf và khách sạn 5 sao tại TP Viêng Chăn. Hay như trường hợp Công ty cổ phần Dịch vụ Mekong Logistics muốn đầu tư lĩnh vực logistics, nhất là đầu tư tại các cửa khẩu giữa Lào với các nước trong khu vực. Thế nhưng hầu hết các doanh nghiệp chưa nắm bắt được chính sách ưu đãi đầu tư cũng như thiếu thông tin nhu cầu đầu tư cụ thể trong từng lĩnh vực ở Lào. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam mong muốn Chính phủ Lào công bố chính sách, lĩnh vực ưu đãi đầu tư rõ ràng hơn nữa.

Chia sẻ với những băn khoăn của doanh nghiệp Việt Nam, Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết, Lào đang mở rộng khả năng thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Chính phủ đã cải cách toàn diện thủ tục hành chính, áp dụng cơ chế một cửa thuận lợi, nâng cấp kết hợp đẩy nhanh tiến độ đầu tư mới hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics... Lào khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, chế biến nông sản. Chính phủ Lào cũng đã triển khai chương trình một cửa từ trung ương xuống từng địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Lào. Trong những dự án lớn có yếu tố đầu tư công, Lào ưu tiên hình thức doanh nghiệp nước ngoài liên kết với doanh nghiệp Lào để cùng đầu tư. Chính phủ Lào cũng đề nghị doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tham gia hỗ trợ Lào đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường bộ, đường sắt, đường biển kết nối Việt Nam - Lào; đề nghị Việt Nam sớm mở thêm nhiều chuyến bay từ Việt Nam đến các thành phố của Lào và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để hàng hóa Lào thuận lợi thông thương tại thị trường Việt Nam.

Thông qua diễn đàn, cùng các ý kiến trao đổi của doanh nghiệp TP.HCM đã và đang đầu tư vào Lào, cùng những trả lời của phía nước bạn Lào, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị, sau diễn đàn này, Sở Công Thương TP theo dõi, hướng dẫn để các đơn vị, trực tiếp là Saigon Co.op, Satra tổ chức việc kết nối để đưa hàng hóa của Lào vào thị trường TP.HCM. Về lĩnh vực du lịch, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị Sở Du lịch TP.HCM theo dõi hỗ trợ để các doanh nghiệp du lịch thúc đẩy hơn nữa các hoạt động du lịch giữa TP.HCM và các địa phương của Lào.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng yêu cầu Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) làm đầu mối tập hợp các vấn đề, yêu cầu của doanh nghiệp hai bên để trao đổi với Sở Ngoại vụ TP và Tổng lãnh sự quán Lào tại TP.HCM để kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp; đồng thời ITPC chủ trì tổ chức Tuần lễ sản phẩm của doanh nghiệp TP.HCM tại Lào, thúc đẩy hơn nữa giao thương giữa TP.HCM và Lào, cũng như tổ chức xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch đối với các doanh nghiệp Lào tại TP.HCM.

Về vận chuyển hàng hóa giữa Lào và TP.HCM, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị Sở Giao thông Vận tải, Hiệp hội doanh nghiệp TP nghiên cứu để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp vận tải tham gia thực hiên việc này.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng đề nghị các doanh nghiệp đã ký kết cũng như các doanh nghiệp đang tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư thương mại giữa hai bên triển khai các nội dung ký kết hoặc các kế hoạch xúc tiến việc đầu tư thương mại sắp tới. Các sở, ngành TP, các cơ quan chức năng tập trung theo dõi hỗ trợ để các doanh nghiệp triển khai được các dự án thành công, hiệu quả...

 

Ký kết 18 biên bản hợp tác ghi nhớ (MOU) và hợp đồng kinh tế với tổng trị giá gần 4.000 tỷ đồng

Trên tinh thần phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào nói chung, cũng như giữa TP.HCM và Lào nói riêng, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào như ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước, tại diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ và hợp đồng kinh tế. Theo đó, có 18 biên bản hợp tác ghi nhớ (MOU) và hợp đồng kinh tế được ký kết với tổng trị giá gần 4.000 tỷ đồng, trong đó nội dung tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp (phát triển giống cây trồng, chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi), năng lượng thủy điện, khoáng sản, thương mại, công nghệ thông tin, du lịch...

NGUỒN: PTT- ITPC