Diễn đàn xuất khẩu 2022: “Vận hội mới cho xuất khẩu - Tận dụng thời cơ để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên”
Tiếp nối thành công của các Diễn đàn xuất khẩu những năm trước, dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt thông tin dự báo, định hướng xuất khẩu, nhận dạng các khó khăn, thách thức và tận dụng cơ hội để đảm bảo xuất khẩu tăng trưởng ổn định và bền vững trong trạng thái bình thường mới. Ngày 08/12/2022, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) đã tổ chức Diễn đàn xuất khẩu 2022 với chủ đề “VẬN HỘI MỚI CHO XUẤT KHẨU – TẬN DỤNG THỜI CƠ ĐỂ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VƯƠN LÊN”.
Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận “điểm sáng” trong lĩnh vực xuất nhập khẩu
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC cho biết sự phục hồi kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục trong 2 tháng cuối năm 2022, được hỗ trợ bởi các nền tảng kinh tế mạnh mẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng nội địa.
Về xuất khẩu: Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 616,24 tỷ USD tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về đầu tư: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng năm 2022 ước tính đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua.
Riêng Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận “điểm sáng” trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa trong 10 tháng đầu năm 2022, đặc biệt là xuất khẩu. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Thành phố xuất qua cảng của Thành phố bao gồm cả dầu thô, trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt gần 36 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm: nhóm máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 13.877,6 triệu USD, tăng 1,9%); nhóm dệt, may (đạt 3.765,6 triệu USD, tăng 42,7%); nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác (đạt 2.268,7 triệu USD, tăng 33,5%); nông sản (đạt 3.568,7 triệu USD, tăng 6,1%), nhóm hàng thủy hải sản (đạt 1.111,3 triệu USD, tăng 69,7%) so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 3,3%; nhóm hàng lâm sản chiếm tỷ trọng khiêm tốn 1,6% và có giá trị xuất khẩu đạt 559,0 triệu USD, tăng 4,4% so cùng kỳ.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh với kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 8.232,6 triệu USD, tăng 7,3% so cùng kỳ và chiếm 22,9% tỷ trọng xuất khẩu. Thứ hai là thị trường Mỹ (đạt 6.321,2 triệu USD, tăng 19,9%). Thứ ba là thị trường Nhật Bản (đạt 2.424,6 triệu USD, tăng 24,0%). Riêng với thị trường Liên hiệp châu Âu (EU), giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đạt 4.943,6 triệu USD, tăng 19,7%, chiếm 13,7%.
Tăng cường vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dài hạn
Phát biểu tại hội nghị, ông Alex Tatsis, Trưởng phòng kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh rằng nâng cao khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng là ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Biden-Harris. Chuỗi cung ứng cũng là trọng tâm chính của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Trong IPEF, Hoa Kỳ sẽ phối hợp với các đối tác của IPEF như Việt Nam để xác định những lĩnh vực và sản phẩm quan trọng đối với an ninh quốc gia, khả năng phục hồi của nền kinh tế cũng như sức khỏe và sự an toàn của người dân - từ đó thực hiện các hành động chung để tăng cường khả năng phục hồi của những lĩnh vực này, tạo việc làm và cơ hội kinh tế trong các ngành công nghiệp trọng điểm của tương lai.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ trên toàn cầu và là điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng những hàng hóa thiết yếu cho nền kinh tế Hoa Kỳ, từ chất bán dẫn phục vụ sản xuất điện thoại và ô tô đến các tấm pin mặt trời để thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các liên kết chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ với Việt Nam không phải chỉ diễn ra một chiều: Việt Nam nhập khẩu chip máy tính, gỗ cứng, bông và thức ăn chăn nuôi từ Hoa Kỳ để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất chất bán dẫn, đồ nội thất, may mặc và hải sản trong nước. Thương mại hai chiều giúp Việt Nam phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu sang các thị trường trên toàn thế giới.
Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ cũng đang đầu tư để giúp Việt Nam tăng cường vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dài hạn. Cụ thể, Hoa Kỳ tăng cường thuận lợi hóa thương mại và khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân tại Việt Nam, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông qua Dự án Kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa (“LinkSME”) của USAID giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận nguồn tài chính và thực hiện chuyển đổi số. Điều này giúp các doanh nghiệp tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vì lợi ích chung của hai quốc gia.
Trong những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Nhưng chính quá trình dịch chuyển này đã tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng quan trọng của Việt Nam và hoạt động hải quan. Để khắc phục vấn đề này, Dự án Tạo thuận lợi Thương mại của USAID đang phối hợp với Tổng cục Hải quan điều chỉnh các thủ tục thông quan biên giới và giảm tắc nghẽn tại cửa khẩu chính, bao gồm Cảng Cát Lái ở Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm vận chuyển container lớn nhất tại Việt Nam.
Ông Alex Tatsis nhấn mạnh rằng cả Hoa Kỳ, Việt Nam hay một quốc gia nào khác không thể sản xuất hoặc cung cấp mọi sản phẩm hàng hóa mà họ cần. Chúng ta đang sống trong một thế giới kết nối và việc hợp tác với Việt Nam cũng như các đối tác khác đóng vai trò rất quan trọng để tăng cường khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tái cấu trúc doanh nghiệp xuất khẩu thích ứng với tình hình mới
Phát biểu tại diễn đàn, Tiến sĩ Từ Minh Thiện, chuyên gia kinh tế nhận định tái cấu trúc doanh nghiệp xuất khẩu thích ứng với những thay đổi của các điều kiện tình hình mới đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là vấn đề quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết hơn 15 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các khu vực và các quốc gia trên thế giới. Các hiệp định thương mại tự do đòi hỏi nước ta phải sửa đổi lại hệ thống luật pháp, các văn bản quy phạm pháp luật... phù hợp với chuẩn mực và quy ước quốc tế, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy và quen dần với các quy định và luật lệ quốc tế trong thương mại, đầu tư. Khi những bước tiến của Việt Nam đều hướng tới sự công nhận của quốc tế thì điều quan trọng là phải giải quyết những vấn đề về môi trường và tính bền vững khi mà đây thường là yêu cầu của các nhà nhập khẩu và cũng được đề cập trong các Hiệp định thương mại tự do FTA.
Để tái cấu trúc doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề như:
1) Xây dựng chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu.
2) Lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm và qui mô của doanh nghiệp..
3) Chú trọng tìm hiểu thị hiếu, xu hướng và đặc trưng thị trường thông qua các hội thảo quốc tế, các hội chợ - triển lãm quốc tế, các roadshow...
4) Gia tăng sản phẩm trên các thị trường ngách, tiếp cận các thị trường mới. Ngoài các thị trường truyền thống; cần lưu ý các thị trường chưa được khai thác đúng mức như thị trường các nước thuộc khối Ả Rập, các nước Hồi giáo hoặc các dòng sản phẩm dành riêng cho các phân khúc khách hàng riêng biệt, các thị trường ngách...
5) Đầu tư phát triển các dòng sản phẩm hữu cơ hoặc hướng đến hữu cơ, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người.
6) Đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu một cách chuyên nghiệp.
7) Đa dạng hoá các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại, các hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tận dụng các công cụ trực tuyến, đặc biệt các nền tảng (platform).
8) Đào tạo và chuyên nghiệp hoá đội ngũ nhân lực hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu.
Nhìn chung, bối cảnh tình hình mới vẫn còn nhiều phức tạp, diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro; chúng ta đã may mắn vượt qua những khó khăn trong năm 2021 và có những bước tăng trưởng khá ấn tượng sau đại dịch, tuy nhiên, để tiếp tục đà tăng trưởng và để hạn chế tối đa những rủi ro có liên quan đến thị trường, tăng khả năng cạnh tranh, một trong những giải pháp quan trọng, đó là tái cấu trúc doanh nghiệp để có thể thích ứng với bối cảnh tình hình mới, giúp doanh nghiệp có thể duy trì sự phát triển, nâng cao năng lực quản lý. Điều này cũng đòi hỏi cần phải có sự chung tay, góp sức của các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội và nỗ lực của các bản thân các doanh nghiệp, phải có sự quyết tâm và các bước triển khai phù hợp, đồng bộ.
Tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam vô cùng ấn tượng
Chia sẻ với Diễn đàn, ông Mizushima Kozo, Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH) cho biết so với các nước Đông Nam Á khác, tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam vô cùng ấn tượng. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2022 đạt 6.42%, vượt xa mức kỳ vọng và năm 2023 con số này được dự báo sẽ vượt hơn 7%.
Năm ngoái, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp đều vô cùng khó khăn. JCCH đã tiến hành khảo sát về tình hình khôi phục kinh tế của các doanh nghiệp vào tháng 11 - tức ngay sau khi thành phố trở lại bình thường mới và vào tháng 6 năm nay. Theo kết quả khảo sát, nếu vào tháng 11 mức tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp chỉ đạt 45% thì sang tháng 6 năm nay con số này đã tăng lên 63%.
Ngoài ra, JCCH cũng lấy ý kiến về tình hình quay lại sản xuất của các nhà máy. Kết quả cho thấy, đến tháng 9 năm nay khoảng 60% doanh nghiệp đã phục hồi 100% hoạt động của nhà máy, nếu tính luôn cả các nhà máy có mức phục hồi hơn 90% thì con số này chiếm 80% tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát.
63% doanh nghiệp cho biết trong 1-2 năm tới sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang kỳ vọng rất lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Bất chấp đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư quốc tế
Chia sẻ với Diễn đàn, ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TP.HCM cho biết bất chấp đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư quốc tế nhờ vị trí địa lý chiến lược và chính sách duy trì tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cũng đang cải thiện khả năng kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu với việc ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với Indonesia là một trong số các quốc gia thành viên, điều này đồng nghĩa với việc cả Indonesia và Việt Nam là một phần của hiệp định khu vực và kết nối hai quốc gia với thị trường toàn cầu.
Mới đây, trong cuộc họp lần thứ 4 của Ủy ban Hợp tác Song phương (JCBC-4) diễn ra vào tháng 07/2022 do hai Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi và Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì, hai bên đã đồng thuận mục tiêu mới đối với thương mại song phương là 15 tỷ USD vào năm 2028. Điều này phản ánh sự lạc quan và hai quốc gia hoàn toàn có khả năng nâng cao giá trị thương mai song phương một cách mạnh mẽ hơn.
Theo thống kê của Bộ Thương mại Indonesia, một số sản phẩm và hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam có nhu cầu cao, bao gồm polyme (5,32%); máy điện thoại (4,4%); màn hình và máy chiếu (3,6%); giày dép và các bộ phận liên quan (3,23%); các mặt hàng vải, dệt kim, may mặc (3,06%).
Nhiều công ty Nhật muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam
Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TP.HCM (JETRO) chia sẻ rằng nhiều công ty Nhật cho biết họ muốn mở rộng việc kinh doanh trong tương lai gần như năm 2023. Vì vậy rất nhiều công ty Nhật quan tâm đến Việt Nam về tăng trưởng kinh tế, về tương lai của đất nước, và muốn đầu tư vào Việt Nam. Các công ty Nhật mong muốn tập trung vào những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, họ cũng rất quan tâm đến lĩnh vực có giá trị gia tăng cao ví dụ như ô tô, thiết bị điện, và những ngành tương tự.
Các công ty Nhật Bản cũng đề cập rằng có một số thách thức mặc dù muốn đầu tư vào những lĩnh vực kể trên ví dụ lao động tay nghề cao, vì những ngành có giá trị gia tăng cao thực sự cần nhiều lao động giỏi. Vì thế, chúng ta nên tìm cách giải quyết vấn đề này.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản hiện đang thúc đẩy các công ty Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Bộ đã bắt đầu những chương trình hỗ trợ các hoạt động này. Cho đến hiện nay, rất nhiều công ty đã đăng kí tham gia chương trình này. 103 dự án đã được thực hiện và 41 dự án trong số đó là những dự án liên quan đến Việt Nam. Các dự án này có 3 nhóm chính. Đầu tiên là ngành gia công kim loại, tiếp theo là ngành hàng y tế, thứ ba là ngành thiết bị điện. Vì thế, hiện giờ JETRO cho rằng 3 ngành này đang rất triển vọng trong việc thu hút nhiều đầu tư.
Việt Nam tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa
Phát biểu kết luận diễn đàn, ông Trần Phú Lữ, PGĐ phụ trách ITPC cho biết mặc dù với dự báo khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu sẽ kéo dài sang đầu năm 2023, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào diễn biến xung đột quân sự, tình hình kiếm chế lạm phát, các biện pháp phòng, chống dịch của các nước lớn, diễn biến tình hình kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn nhưng đây là thời cơ, tuy nhiên, đây cũng là vận hội mới để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vươn lên, tiếp tục giữ vững sự tăng tưởng xuất khẩu hàng hóa trên cơ sở tận dụng hiệu quả các lợi thế mang lại từ:
(1) Lộ trình cắt giảm thuế quan của các hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP....
(2) Chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế” của Đảng và Nhà nước.
(3) Chủ trương đúng đắn, kịp thời của Chính phủ chuyển sang trạng thái “bình thường mới” sống chung an toàn với dịch bệnh với việc thực hiện chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19” nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa giữ hiệu quả của công tác phòng chống dịch.
(4) Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã từng bước khẳng định chất lượng và uy tín thương hiệu, nhất các sản phẩm nông-lâm-thủy sản, dệt may, da giày, điện thoại các loại và linh kiện, hàng điện tử - những mặt hàng đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao.
Doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm bắt tốt cơ hội này để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng kim ngạch xuất khẩu của mình.
Nguồn: Phòng Thông tin ITPC