Quay lại

Giới thiệu môi trường đầu tư, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp TP.HCM với doanh nghiệp tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

Ngày 19/8/2022 tại TP.HCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán  Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc tại TP.HCM tổ chức chương trình “Giới thiệu môi trường đầu tư tại TP.HCM và kết nối giao thương giữa doanh nghiệp TP.HCM và doanh nghiệp tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc”. Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với hơn 150 đại biểu tham dự. Tại đầu cầu TP.HCM có bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC); ông Ngụy Hoa Tường, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM cùng 20 doanh nghiệp Việt Nam; tại đầu cầu thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông có ông Trần Đức Hải, Tổng Thư ký Trung tâm Trung Quốc - ASEAN; bà Vương Ngọc Quân, Tổng Lãnh sự Thái Lan tại Thanh Đảo; ông Hầu Hiểu Bình, Phó Bí thư Thành ủy, Thị trưởng thành phố Lâm Nghi; ông Tôn Nghiệp Bảo, Phó Giám đốc Văn phòng Đối ngoại tỉnh Sơn Đông và 50 doanh nghiệp tỉnh Sơn Đông thuộc các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, bán lẻ, máy móc, thiết bị công nghệ thông tin, năng lượng, logistics,... tham dự.

Theo ông Ngụy Hoa Tường, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM, kim ngạch giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam trong năm 2021 đạt hơn 230 tỷ USD và hiện tại tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia còn nhiều dư địa; đặc biệt tỉnh Sơn Đông nói chung và thành phố Lâm Nghi nói riêng có rất nhiều điểm tương đồng với TP.HCM về văn hóa, kinh tế, xã hội,... vì thế sẽ có rất nhiều tiềm năng khi hợp tác phát triển thương mại, kinh tế. Sơn Đông là tỉnh nông, công nghiệp lớn của Trung Quốc, với dân số 107 triệu người, Sơn Đông có nhu cầu nhập khẩu đa dạng các sản phẩm từ các nước. Thành phố Lâm Nghi là một địa phương nổi tiếng về thương mại, logistics.

Thông tin về môi trường đầu tư của TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Vinh - Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư thuộc ITPC cho biết: TP.HCM là một đô thị đặc biệt, có vị trí chiến lược thuận lợi, với diện tích hơn 2.000 km2, dân số hơn 10 triệu người, đầy đủ mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không hiện đại. Đồng thời, Thành phố cùng với các địa phương lân cận đã và đang khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, là đòn bẩy để kết nối tốt hơn trục hành lang trong khu vực và quốc tế. TP.HCM luôn nỗ lực duy trì đà tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực từ hạ tầng phát triển công nghiệp đến hạ tầng phát triển thương mại.

Trong năm 2022, TP.HCM tiếp tục mời gọi đầu tư 197 dự án thuộc 10 lĩnh vực cụ thể như hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, xử lý môi trường, chống ngập, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch. Đáng chú ý là TP.HCM đang tập trung triển khai quy hoạch TP Thủ Đức thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông để trở thành hạt nhân phát triển nền kinh tế số, kinh tế tri thức cho toàn Thành phố và khu vực phía Nam. Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được đầu tư xây dựng với mục tiêu trở thành đô thị hiện đại nhất Việt Nam, trong đó có một trung tâm tài chính quốc tế.

Ngoài ra, TP.HCM ưu tiên thu hút các nhà đầu tư từ các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, có sử dụng công nghệ cao, có thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển; các nhà đầu tư về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng; ngành kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ngành công nghệ thông tin; ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo,...