Hội thảo “Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực bất động sản”
Nằm trong Chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư năm 2022, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo “Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực bất động sản” tại TP.HCM vào sáng 27.5.2022.
Tham dự hội thảo có bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC; TS. Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch VIAC; ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA); Luật sư Ngô Thị Vân Quỳnh, Luật sư điều hành, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Legal; Luật sư Lê Nết, Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH LNT&Partners, Trọng tài viên VIAC; ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam tại TP.HCM; riêng TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV có mặt tại đầu cầu Hà Nội. Hội thảo cũng đã thu hút sự hiện diện của 120 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Khai mạc Hội thảo, bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc ITPC cho biết, sau hơn 2 năm dịch COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội của đất nước, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã nỗ lực vượt khó, chủ động thay đổi, tái cấu trúc, chuyển đổi số, tăng tốc hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, cung cấp nguồn cung cho xã hội. Trên đà thị trường bất động sản trong nước đang phục hồi, việc tăng cường xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài triển khai thuận lợi các dự án đầu tư tại Việt Nam đang là vấn đề được chú trọng trong thời điểm hiện tại. ITPC hy vọng, thông qua thảo luận, góp ý, hội thảo sẽ tìm ra giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường và thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, củng cố môi trường đầu tư.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, TS Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch VIAC cho biết trong 20 năm qua, thị trường bất động sản đã đóng góp rất lớn trong quá trình đô thị hoá, phát triển hạ tầng công nghiệp... Tuy nhiên, thị trường bất động sản cũng có những khuyết tật, méo mó.
“Hạng mục nhà ở nào cũng khan hiếm. Nguyên nhân không chỉ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà còn vì những lý do liên quan đến cơ chế, pháp lý, thủ tục và dòng tiền chảy vào bất động sản đang bị ngưng trệ như tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp... khiến hàng trăm dự án bất động sản rơi vào tình trạng tắc nghẽn”, ông Trần Du Lịch cho biết.
Gần đây, sự liên thông giữa thị trường tài chính và thị trường bất động sản không minh bạch đã tạo ra rủi ro rất lớn. “Các cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới trong 50 năm qua đều có xuất phát điểm từ khủng hoảng thị trường bất động sản rồi lan sang thị trường tài chính... Xu hướng là phải lành mạnh hoá cả 2 thị trường này. Nếu thị trường bất động sản ngưng trệ sẽ tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với kinh tế đô thị”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Nhìn nhận thêm về tầm quan trọng của thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), cho rằng tại Việt Nam, hiện bất động sản chiếm 25% GDP, nếu tính đầy đủ. Đi vào chi tiết số liệu, ông Lê Hoàng Châu cho biết, từ năm 2015 - 2021, tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng thiếu hụt nguồn cung dự án dẫn tới thiếu hụt nguồn cung nhà ở. Riêng đối với TP.HCM, đỉnh cao thị trường là năm 2017, các chủ đầu tư đã đưa ra thị trường 30.000 căn nhà ở/năm, những năm gần đây thấp hơn, chỉ khoảng 16.000 căn/năm. Thị trường cũng phát triển lệch pha, nếu năm 2020 có 1% là nhà ở giá thấp, thì năm 2021 là 0%.
TP.HCM cũng là địa phương phát triển nhà ở xã hội tốt nhất trên cả nước, nhưng trong 5 năm qua (2015-2020) cũng chỉ đưa ra được 15.000 căn nhà ở xã hội (đạt 75% theo kế hoạch 20.000 căn), trong khi cả nước chỉ đạt 41%. Trong khi đó, hiện TP.HCM có hơn 900.000 công nhân lao động đang thuê nhà ở, họ luôn muốn cải thiện điều kiện nhà ở tại các khu nhà trọ lụp xụp.
Điều cần tháo gỡ vướng mắc lớn nhất hiện nay tại nhiều dự án bất động sản nhà ở là quy định dự án phải có 100% đất ở mới công nhận chủ đầu tư, nhưng hầu hết dự án nhà ở đều là đất hỗn hợp. Để xây dựng những dự án bất động sản nhà ở quy mô lớn, có những tiện ích đầy đủ, như kiểu khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7, TP.HCM)... phải có quỹ đất lớn.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định: thị trường bất động sản liên quan ít nhất đến 40 ngành nghề như xây dựng (6% GDP), du lịch, ăn uống, tài chính ngân hàng (7% GDP)... Đây cũng là thị trường thu hút mạnh dòng vốn FDI. Riêng 4 tháng đầu năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký mới vào bất động sản đạt gần 2,8 tỷ USD, đứng thứ 2, chiếm 26,5%, riêng vốn góp mua cổ phần hơn 1 tỷ USD, chiếm 9,7%. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, hiện tín dụng cho bất động sản khoảng 2,23 triệu tỷ đồng, trong đó, cho vay nhà ở ước đạt 65% (1,45 triệu tỷ đồng), còn lại là 35% là tín dụng kinh doanh bất động sản.
Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, một trong những xung lực quan trọng của thị trường bất động sản trong nước là nền kinh tế phục hồi nếu Việt Nam thực hiện tốt chương trình phòng chống dịch và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023; quy hoạch được quan tâm; đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công được thúc đẩy.
Bên cạnh những thuận lợi, thị trường bất động sản trong nước cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2022. Giá năng lượng, vật liệu đang tăng nhanh (trong hai tháng đầu năm tăng 2%); nguồn cung chưa thể dồi dào ngay ở thời điểm hiện tại; giá bất động sản (đất nền, biệt thự, chung cư...) vẫn tăng.
Bàn về giải pháp để thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trong giai đoạn tới, ông Cấn Văn Lực cho hay, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, tăng năng suất. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm hiểu, tiếp cận “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế”.
Về những ảnh hưởng của sự thay đổi trong khung pháp lý đến việc thu hút nguồn vốn FDI trong lĩnh vực bất động sản, Luật sư Ngô Thị Vân Quỳnh - Công ty Luật TNHH An Legal cho biết, những mặt tích cực của sự thay đổi trong khung pháp lý gồm: nhiều Luật được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là Luật Đầu tư 2020; nhiều Luật, Nghị định được ban hành để xử lý các vấn đề cấp bách của thực tiễn; việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư.
Tuy nhiên, khung pháp lý vẫn còn một số vướng mắc như: nhiều luật có liên quan đến bất động sản chưa được sửa đổi đồng bộ nên còn nhiều chồng chéo, bất cập; quy trình đầu tư dự án, thực hiện thủ tục kéo dài, khi có thay đổi luật thì phải rà soát lại hoặc điều chỉnh, làm lại thủ tục; nhiều dự án thuộc diện phải rà soát lại về mặt pháp lý hoặc phải kiểm tra, thanh tra, điều tra, các quy trình này kéo dài, liên quan đến pháp luật qua nhiều thời kỳ nên rất phức tạp.
Trên cơ sở đó, Luật sư Ngô Thị Vân Quỳnh kiến nghị một số giải pháp để thu hút nguồn vốn FDI trong lĩnh vực bất động sản.
Theo đó, cần xây dựng khung pháp lý đồng bộ, thống nhất, các hiệp hội, nhà đầu tư, doanh nghiệp... chủ động và tích cực tham gia quá trình sửa đổi luật; tăng cường quỹ đất sạch để thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài; Nhà nước chủ động lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư.
Luật sư Lê Nết, Trọng tài viên VIAC, cho rằng: Nhà nước cần lắng nghe nhu cầu người dân về nhà ở để có quy định phù hợp và làm thế nào để kìm giá bất động sản.
Sau trình bày của các diễn giả, TS. Trần Du Lịch đã điều hành phần hỏi đáp. Câu hỏi về nguồn vốn cho doanh nghiệp bất động sản đang bị siết lại sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường được TS. Cấn Văn Lực trả lời. Câu hỏi về xu hướng phát triển của bất động sản công nghiệp hiện nay và triển vọng trong tương lai được Ban tổ chức mời ông Troy Griffiths trả lời. Các câu hỏi liên quan đến pháp lý được Luật sư Ngô Thị Vân Quỳnh và Luật sư Lê Nết trả lời... Tổng cộng các diễn giả đã giải đáp cụ thể 7 câu hỏi được gửi tới ban tổ chức, 3 câu hỏi đặt ra tại chỗ.
Đặc biệt, với 1 câu hỏi nêu trường hợp cụ thể của một đại biểu tham dự, bà Cao Thị Phi Vân đề nghị gửi văn bản tới Ban tổ chức để đề nghị Sở Xây dựng TP.HCM trả lời cụ thể.