Quay lại

Hội thảo “Xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp Ba Lan – Việt Nam”

Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2022, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp cùng với Văn phòng đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP.HCM (PAIH) tổ chức Hội thảo “Xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp Ba Lan - Việt Nam”. Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC), ông Piotr Harasimowicz - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP.HCM, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu, Hương liệu, Mỹ phẩm Việt Nam và đại diện của đoàn doanh nghiệp Ba Lan.

Phát biểu tại buổi Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc ITPC cho biết, trong số các nước EU, Ba Lan là một trong những đối tác thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam và là một trong những quốc gia có mức độ phát triển mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực kinh doanh thương mại với Việt Nam. Ba Lan hiện là bạn hàng số 1 của Việt Nam tại khu vực Đông Âu và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài Liên minh châu Âu (EU). Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước đạt hơn 2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu hơn 1,8 tỷ USD và nhập khẩu hơn 252,9 triệu USD. Các lĩnh vực hợp tác chính là nông sản, dược phẩm, mỹ phẩm, công nghệ xanh và xử lý nước thải. Trong đó, mỹ phẩm là thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa phát triển cho cả Việt Nam và Ba Lan.

Theo ông Nguyễn Tuấn, TP.HCM là đô thị đặc biệt, là đầu mối giao thương, giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội trong nước và quốc tế và là một thị trường tiềm năng có sức tiêu thụ hàng hóa rất lớn. TP.HCM còn có hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại, phong phú và đa dạng về loại hình hoạt động như: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống...

Ông Piotr Harasimowicz, Trưởng Văn phòng Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP.HCM chia sẻ, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp, các nhà xuất khẩu Việt Nam và Ba Lan. Việt Nam không chỉ nằm trong khu vực thị trường sôi động của châu Á mà còn là một quốc gia có cơ sở hạ tầng tốt cho việc phát triển thương mại. Ngày càng nhiều mặt hàng thực phẩm như bánh kẹo, các sản phẩm từ sữa, táo của Ba Lan trong các chuỗi siêu thị và cửa hàng lớn tại Việt Nam. Chỉ riêng trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thực phẩm của Ba Lan sang Việt Nam đạt đến hơn 143 triệu Euro.

Tiềm năng phát triển cho thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam

Bà Hồ Thị Hạnh Ngân, Trưởng phòng kinh doanh Văn phòng Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP.HCM cho biết: Ba Lan là nhà sản xuất mỹ phẩm lớn thứ 5 tại EU và ngành công nghiệp này đang phát triển rất năng động. Các công ty Ba Lan ngày càng mạnh dạn và năng động hơn trong việc tìm kiếm các thị trường mới.

Ở chiều ngược lại, các chuyên gia cho rằng Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các ngành bán lẻ như chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, mẹ và bé, thời trang, thể thao, thực phẩm. Điều này thúc đẩy các nhà bán lẻ mở rộng cửa hàng để khai thác nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu, Hương liệu, Mỹ phẩm Việt Nam cho biết, hàng trăm thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng trên thế giới đã xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như mở văn phòng đại diện, đặt đại lý, nhà phân phối bán hàng, thành lập công ty và xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ buổi Hội thảo, đoàn doanh nghiệp mỹ phẩm Ba Lan đã kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của mình cũng như tìm kiếm các cơ hội phát triển, đầu tư tại thị trường TP.HCM. Sau buổi kết nối, doanh nghiệp hai nước có nhiều cơ hội tìm được những đối tác tiềm năng để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như mở rộng thị trường xuất nhập khẩu.

Nguồn: Phòng Thông tin ITPC