Quay lại

Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng ĐBSCL với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại

Từ ngày 5 đến 9/8/2022, tại công viên Lê Văn Tám phường Đakao, Quận 1, TP HCM, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Sở Công Thương, các Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư của các địa phương khu vực phía Nam tổ chức “Chương trình Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại”.

Đây là hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp địa phương với các nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài.

Hội nghị đã thu hút hơn 300 đại biểu tham dự, là đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam; các Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, các Hiệp hội ngành hàng, Đại sứ quán, Tổ chức Xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam và các doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2021 dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng đã tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu của mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện linh hoạt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất trong bối cảnh thị trường tiêu thụ vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và căng thẳng về chính trị trên thế giới hiện nay, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trên cả nước nói chung, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam nói riêng, để giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tới các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam, quốc tế. Ngoài ra, Hội nghị cũng sẽ cung cấp thông tin, giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Chương trình cũng cung cấp thông tin, giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Từ đó, góp phần khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam và cả nước trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.

Tại Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của có sự tham gia của hơn 300 nhà cung cấp từ 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam với các nghành hàng chủ lực như: đồ gỗ, nông thủy sản, thực phẩm chế biến...

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cùng 7 doanh nghiệp gồm Công ty CP Thực phẩm an toàn Long Quân; Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tomcare; Công ty TNHH Dòng Phù Sa; Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Tư Duy; Công ty TNHH Thương mại Hòa Mai; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt; Công ty CP Pacific Food đã tham gia gian hàng trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, sản phẩm xuất khẩu đến với các tổ chức xúc tiến, nhà phân phối, người tiêu dùng.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh còn trực tiếp tiếp cận với các nhà phân phối lớn như Central Retail, Aeon... và các phiên tư vấn xuất khẩu, giao thương trực tuyến với các thị trường: Hàn Quốc, Chi-lê, Hà Lan...

Hội nghị góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân phối của TP.HCM và các tỉnh, thành phố gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường; thúc đẩy sản xuất, kết nối cung cầu, phát triển hệ thống phân phối hàng hóa phục vụ nhu cầu người tiêu dùng tại các địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm an toàn đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ của các tỉnh, thành phố trong cả nước.