Lộ trình và những lưu ý cho nhà đầu tư khi đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất
Ngày 9/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo “Lộ trình và những lưu ý cho nhà đầu tư khi đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất”.
Hội thảo nhằm hỗ trợ thông tin về các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư của các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) tại TP.HCM đến với các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như nêu ra các kiến nghị giải pháp tháo gỡ những khó khăn tồn đọng trong các chính sách thực hiện kêu gọi đầu tư trước đây. Qua đó, giúp các nhà đầu tư thuận lợi hơn trong việc tiếp cận chính sách đầu tư và hướng dẫn lộ trình để nhà đầu tư dễ dàng thực hiện các thủ tục khi muốn đầu tư vào các KCN, KCX tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Phát biểu tại Hội thảo, TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC cho biết, với định hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, các KCN, KCX đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Ở một số tỉnh, thành có ngành công nghiệp phát triển, thu ngân sách từ các KCN chiếm hơn 60% tổng thu ngân sách.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC, cho biết với vai trò đầu tàu kinh tế cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cơ sở hạ tầng đồng bộ, khoa học công nghệ phát triển, lực lượng lao động có tay nghề và trình độ kiến thức chuyên môn cao, tính đến nay TP.HCM là một trong những địa phương có lượng thu hút vốn FDI cao nhất với gần 11.000 dự án và tổng vốn đầu tư đạt gần 54 tỷ USD. “Khi nền kinh tế mở lại sau dịch, kinh tế phục hồi như chiếc lò xo bị nén, các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến đầu tư vào KCN, KCX”, ông Nguyễn Tuấn nhấn mạnh.
Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước đã thành lập được 335 KCN với tổng diện tích 97,84 nghìn ha, trong đó 260 KCN đã đi vào hoạt động và 75 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 53,5%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 76,10%.
Bên cạnh đó, cả nước hiện có 17 khu kinh tế (KKT) được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 850 nghìn ha. Trong các KKT, có 38 KCN với tổng diện tích 15,2 nghìn ha; trong đó 17 KCN đang hoạt động và 21 KCN đang xây dựng.
Các KCN, KKT trên cả nước đã thu hút được 9.784 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 194,69 tỷ USD, vốn thực hiện 109,79 tỷ USD; 1.387 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 1.461 tỷ đồng, vốn thực hiện 533 tỷ đồng. Các dự án đầu tư trong KCN, KKT đóng góp khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020; đóng góp 11,7% tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2018.
Theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các KCN của Việt Nam đã được Nhà nước quan tâm ngay sau khi đất nước thống nhất. Sau đổi mới, phát triển các KCN, KKT được coi là chính sách trọng điểm của Việt Nam, nhất là chủ trương kêu gọi đầu tư nhằm phát triển nền kinh tế mở. Kể từ 2001, chính sách phát triển các khu kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế ven biển đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Quyết định. Từ 1987, Luật Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được ban hành cùng với Luật Đất đai được coi là 2 Luật ban hành đầu tiên sau đổi mới. Từ đó đến nay, các chính sách ưu đãi đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài được liên tục đổi mới. Đến 2008, Nghị định đầu tiên của Chính phủ về quản lý KCN được ban hành, ngày càng được đổi mới, nhất là Nghị định 35 mới được ban hành vào năm 2022.
Tuy nhiên, khi nhìn lại việc phát triển các KCN, KCX vẫn còn nhiều nhược điểm như các khu công nghiệp lớn còn quá ít và thiếu các hạ tầng đủ để phát triển các công nghiệp trọng điểm, thiếu các dịch vụ hiện đại nên khó thu hút được các nhà đầu tư lớn từ Âu - Mỹ.
Đồng thời, chủ trương tích hợp các KCN với các khu dịch vụ, khu đô thị được xác định quá chậm, gây ra tình trạng thiếu sức sống cho các KCN. Cùng với đó, sự phát triển của các khu công nghệ cao không được chú trọng như một trọng điểm nên các KCN không kết nối được với các hoạt động công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Bùi Lê Anh Hiếu - Giám đốc phát triển doanh nghiệp Công ty Cổ phần Long Hậu cho rằng có ba vấn đề nhà đầu tư quan tâm nhất khi muốn đầu tư tại Việt Nam là vị trí địa điểm đầu tư, về hạ tầng logistics, thời gian và giá thuê.
Là nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư tại Việt Nam, ông Kenji Usuda - Tổng Giám đốc Công ty Kyouwa cho rằng khi mới bắt đầu đầu tư, các công ty nên xây dựng lộ trình rõ ràng. Bước đầu nên thuê nhà xưởng và mở rộng dần thay vì đầu tư nhà máy. Theo ông Kenji Usuda, trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, công ty cũng phải nhiều khó khăn, nổi bật là vấn đề tiếp cận thông tin đầu tư và nguồn nhân lực. Do đó, để thu hút được các nhà đầu tư vào KCN, KCX thì Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Hội thảo nhận được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Chương trình nhận được nhiều câu hỏi đến từ phía doanh nghiệp để nhờ các chuyên gia hỗ trợ giải đáp về các vướng mắc và khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình hoạt động trong các KCX, KCN hiện nay cũng như nêu ra các kiến nghị giải pháp tháo gỡ những khó khăn tồn đọng trong các chính sách thực hiện kêu gọi đầu tư trước đây. Điều này sẽ iúp cho các nhà đầu tư thuận lợi hơn trong việc tiếp cận chính sách đầu tư và hướng dẫn lộ trình để nhà đầu tư dễ dàng thực hiện các thủ tục khi muốn đầu tư vào các KCN-KCX. Bên cạnh đó Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư sẽ luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận với các dự án khu chế xuất và khu công nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh lân cận khác.