Logistics vùng Đông Nam Bộ: Chia sẻ và góc nhìn từ chuyên gia
Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2022, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA) tổ chức Hội thảo “Logistics vùng Đông Nam Bộ: Chia sẻ và góc nhìn từ chuyên gia”.
Sự kiện có sự hiện diện của ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), Luật sư Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), ông Huỳnh Văn Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA), thu hút hơn 120 đại biểu đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố và các tỉnh lân cận cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Tại Hội thảo, các diễn giả gồm ThS.Nguyễn Thanh Tuấn - Trưởng bộ phận nghiên cứu Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), ông Nguyễn Công Luân - Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TP.HCM và ông Huỳnh Văn Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Sài Gòn đã có những chia sẻ về hiện trạng logistics của khu vực Đông Nam Bộ với những đánh giá tổng quan cũng như nhận định về tiềm năng phát triển của ngành. Không chỉ giữ vai trò là đầu tàu kinh tế cả nước, vùng Đông Nam Bộ là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng của đất nước, đảm nhận phần lớn số lượng hàng hóa và khối lượng hàng container của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, logistics vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều tồn đọng, hạn chế, đòi hỏi phải có sự khắc phục kịp thời: dịch vụ logistics hiện nay phát triển có phần chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vùng; chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Hoạt động logistics tại TP.HCM cũng đang gặp phải nhiều trở ngại, nhất là hiện trạng về hạ tầng. Việc chưa có các trung tâm logistics đáp ứng đầy đủ tiêu chí như thế này về lâu dài có thể gây nên những ách tắc nhất định cho sự lưu thông logistics. Để nâng cao khả năng phát triển đồng bộ, cần tăng cường hơn các hoạt động thu hút vốn đầu tư, nâng cao tính tự chủ của địa phương trong việc vận hành cơ sở hạ tầng, triển khai hoạt động logistics để hệ thống logistics đạt hiệu quả tốt hơn, chất lượng hơn; đề xuất các giải pháp phù hợp, không chỉ về mặt chính sách, cơ chế mà còn về mặt hành động ở các địa phương để cải thiện hơn cũng như tạo tính đột phá hơn cho hệ thống logistics khu vực; từng địa phương đề xuất và triển khai nhiều phương án, chiến lược với mục tiêu cải thiện hơn hoạt động logistics, tăng cường kết nối logistics vùng.
Từ góc độ pháp lý, LS. Ngô Khắc Lễ - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ, khi thực hiện giao dịch, doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng trong việc xây dựng, bổ sung và điều chỉnh quy định hợp đồng, cũng như chú ý xem xét kỹ các điều kiện kinh doanh chuẩn để tránh tạo những bất lợi không đáng có trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Tại Hội thảo cũng đã nhận được nhiều chia sẻ, đóng góp từ phía đại biểu tham dự. Khách tham dự đã gửi các câu hỏi như: tình hình ngành logistics trong giai đoạn khó khăn hiện nay cần lưu ý điều gì, dự báo tình hình của ngành logistics trong khoảng 10 năm tới như thế nào, việc xây dựng và triển khai các hệ thống các trung tâm logistics tại TP.HCM ra sao,... cũng được các chuyên gia giải đáp một cách thấu đáo với đa dạng thông tin từ nhiều góc độ.
Nguồn: Phòng TT ITPC