Quay lại

Nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại ngành hàng thực phẩm và đồ uống sang thị trường Mỹ

Sáng ngày 27/4/2022, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade) tổ chức buổi Tập huấn “Nâng cao kỹ năng Xúc tiến Thương mại ngành hàng thực phẩm và đồ uống sang thị trường Mỹ”. Chương trình mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm và đồ uống Việt Nam vào thị trường Mỹ, nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, cập nhật những xu hướng phát triển mới nhất về công nghệ thực phẩm của thế giới, hiểu rõ hơn các quy định về an toàn thực phẩm khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng như hướng dẫn kỹ năng tham dự hội chợ, triển lãm thực phẩm và đồ uống tại Mỹ, cách đẩy mạnh sản phẩm, quảng bá thương hiệu thông qua kênh thương mại điện tử.

Theo bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục Trưởng Cục Xúc tiến thương mại, ngành xuất khẩu đồ uống và thực phẩm của Việt Nam nói riêng và các thực phẩm nông sản, thực phẩm chế biến nói chung là một ngành có tiềm năng xuất khẩu rất lớn và cũng có uy tín trên thị trường thế giới. Các mặt hàng nông sản chế biến đông lạnh, ngâm giấm, mật ong, cà phê... cũng một số sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam đã xuất khẩu vào Mỹ khá tốt. Hiện Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 8 của các loại thực phẩm và nông sản Mỹ, trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại nông nghiệp song phương đã tăng hơn gấp đôi, từ 4 tỷ USD trong năm 2011 lên 9 tỷ USD trong năm 2021.

Các báo cáo viên đã có những chia sẻ về công cụ, phương thức tiếp cận thị trường, những biện pháp thuế quan và phi thuế quan khi muốn xuất hàng sang Mỹ, cách tra cứu thông tin sản phẩm, ngành hàng được phép vào thị trường này. Theo báo cáo, thực phẩm và đồ uống là thị trường hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới với 8.049 tỷ USD năm 2020, dự kiến đạt khoảng 9 nghìn tỷ USD năm 2025. Thị trường thương mại điện tử ngành thực phẩm và đồ uống đang ở giai đoạn đầu với tốc độ phát triển nhanh chóng. Năm 2021, thị trường Mỹ đạt 339,7 tỉ USD và dự kiến sẽ đạt 468,3 tỉ USD vào năm 2025. Tại thị trường Mỹ, tỉ trọng tăng trưởng thị trường cho ngành hàng bách hóa thực phẩm trực tuyến đã tăng 12.5% trong năm 2021 và dự kiến sẽ bùng nổ tốc độ tăng trưởng tới 21.5% vào năm 2025 tại thị trường Mỹ. Doanh số bán ngành hàng bách hóa thực phẩm tại thị trường này dừng ở mức 34,42 tỉ USD vào năm 2020 và dự báo sẽ đạt 59,5 tỉ USD vào năm 2023. Các doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội tiếp cận hơn 300 triệu khách hàng quốc tế, gia tăng xuất khẩu và phát triển thương hiệu toàn cầu thông qua việc tận dụng tốt cách thức bán hàng trực tuyến.

Tuy nhiên, để các sản phẩm vào thị trường Mỹ doanh nghiệp cần phải đáp ứng và đạt được chứng nhận của FDA, cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của chính phủ Mỹ. Báo cáo viên cũng đã có những hướng dẫn khá cụ thể để doanh nghiệp có thể đăng ký số FDA cho sản phẩn của mình và những giải pháp xử lý trong quá trình đạt chứng nhận của FDD, những lỗi cũng như nhầm lẫn mà doanh nghiệp thường vướng mắc. Đặc biệt, các chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn khi doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang Mỹ. Một trong những vấn đề quan trọng nhất là doanh nghiệp cần nắm rõ những mặt hàng nào được phép nhập khẩu vào Mỹ, những chất cấm nhập khẩu, hạn mức dư lượng các chất được phép tồn tại hoặc sử dụng, các kênh phân phối hiện nay ở Mỹ, v.v... Các doanh nghiệp  đã rất quan tâm đến các nội dung được chia sẻ cũng như đặt ra những câu hỏi liên quan đến cách tìm kiếm thông tin thị trường, các quy định của FDA, các thông tin về bảo quản sản phẩm, vận chuyển...