Quay lại

Những lưu ý khi kinh doanh tại thị trường Brazil

Cơ hội thị trường Brazil

Brazil là thị trường tiêu thụ lớn nhất khu vực Nam Mỹ với quy mô dân số lên đến 220 triệu người. Trung bình mỗi năm, Brazil nhập khẩu hơn 236 tỷ USD hàng hóa, trong đó có 30% hàng hóa đến từ khu vực Châu Á.

Hiện Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ, ngược lại Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil tại Đông Nam Á. Brazil là thị trường rất lớn và rất tiềm năng cho hàng hóa Việt, bởi đây là thị trường có tiêu chuẩn không quá khắt khe và thị hiếu người dân rất đa dạng. Do vậy, nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam có thể được tiếp nhận tại thị trường này.

Tính đến thời điểm hiện tại, Brazil tiếp tục duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Năm 2023, trao đổi thương mại hai nước Việt Nam - Brazil đạt 7,11 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2022.

Các lĩnh vực tiềm năng của thị trường đối với doanh nghiệp Việt Nam

+Lĩnh vực công nghiệp: (ngoài điện thoại) các mặt hàng như máy tính, sản phẩm sắt thép, sản phẩm cao su, xơ sợi dệt, nguyên phụ liệu dệt may, giày da

+Mặt hàng tiêu dùng: giày dép, túi xách, va li, dù..

+Nông sản: fillet cá tra, tôm

Nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng tại Brazil sẽ tăng trưởng ổn định. Nhu cầu  tiêu dùng của người tiêu dùng Brazil rất cao nên đây là sẽ lợi thế đối với các mặt hàng thời trang nhập khẩu với giá thành tốt như hàng giày dép, dệt may.

Brazil là một trong những nhà sản xuất nông sản lớn của thế giới nhưng đa phần là xuất khẩu sản phẩm thô và nguyên liệu chế biến. Chính phủ đang định hướng đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực là các sản phẩm chăn nuôi và ngũ cốc. Trong khi, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và thị hiếu ưa thích thủy sản của người dân vì một phần đang tập trung phát triển ngành chăn nuôi và chế biến thịt (thịt bò, gà, heo và cừu) nên giá cả các sản phẩm thủy sản tươi sống ở Brazil cao hơn nhiều so với thịt.  Đây có thể là một lợi thế trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường này. Mức tiêu thụ cá của người Brazil hiện chỉ bằng 50% so với khuyến cáo của WTO. Bộ nông nghiệp Brazil cho biết 60% hàng thủy sản đều nhập khẩu từ các quốc gia khác. Mặt hàng tôm đông lạnh Việt Nam chưa được nhập khẩu vào Brazil, trong khi nhu cầu tiêu thụ tôm của người dân tăng gấp 4 lần so với năng lực sản xuất trong nước. Theo đánh giá thì ngành tôm Brazil giảm 40% sản lượng do ảnh hưởng của bệnh đốm trắng nên chỉ có Ecuador xuất khẩu tôm sang Brazil. 

Về nhập khẩu, các sản phẩm nhập khẩu chính của Việt Nam từ Brazil tăng mạnh trong đầu năm 2024, trong đó phải kể đến các mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, ngô, chất dẻo nguyên liệu, các chế phẩm thực phẩm khác, thức săn gia súc và nguyên liệu... Nguyên nhân nhập khẩu tăng là để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và phục vụ sản xuất để xuất khẩu. Các sản phẩm nhập khẩu từ Brazil đạt chất lượng tốt và ổn định, đồng thời giá rất cạnh tranh và hàng hóa dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu về nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước.

Nguồn: Phòng Thông tin.