Quay lại

Định hướng điều hành thị trường vàng năm 2024

Ngày 3/1, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo về triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024. 

Liên quan đến câu chuyện quản lý thị trường vàng, trao đổi với báo chí, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), khẳng định đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại mục tiêu và chính sách quản lý thị trường vàng.

Quay trở lại giai đoạn 2009-2011, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đối diện nhiều thách thức chưa từng có; lạm phát. Giai đoạn đó, thị trường trong nước đã chứng kiến những “đợt điên loạn của giá vàng”. Lạm phát gia tăng, giá bất động sản trầm lắng, giá chứng khoán sụt giảm liên tục, dân chúng đã đổ xô đi mua vàng. Đã có thời điểm, giá vàng thay đổi tới 42 lần (ngày 9/8/2011). 

Trong bối cảnh đó, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và chọn SJC độc quyền sản xuất vàng miếng.

Theo ông Đào Xuân Tuấn, Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành năm 2012 giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ điều hành tỷ giá và chính sách tiền tệ. Thực tế cho thấy, hơn chục năm qua, dù giá vàng tăng giảm thất thưởng song tỷ giá vẫn ổn định, mọi hoạt động của ngành ngân hàng cũng không còn bị ảnh hưởng bởi thị trường vàng. 

Giá vàng trong nước diễn biến bất thường cuối năm 2023, có thời điểm giá vàng SJC trong nước cao hơn giá thế giới gần 20 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua vào - bán ra lên tới tới 3 triệu đồng/lượng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói thêm, mục tiêu của Nghị định 24 là chống vàng hóa nền kinh tế, không để vàng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, việc sửa Nghị định 24 là cần thiết, vì Nghị định này đã ra đời cách đây 11 năm, có vai trò lịch sử nhất định song điều kiện kinh tế - xã hội cũng đã thay đổi.

“Vàng quan hệ mật thiết tới dự trữ ngoại hối, tỷ giá, lãi suất. Dù có chọn SJC độc quyền sản xuất vàng miếng hay có thêm nhiều thương hiệu khác thì mấu chốt của vấn đề quản lý thị trường vàng là không để vàng ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, vì lợi ích của toàn bộ nền kinh tế, của 100 triệu dân chứ lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc là rất nhỏ.

Nhà nước không bảo hộ giá cả đối với vàng miếng. Nhà nước chỉ có chính sách hỗ trợ cho nông dân, nông thôn; những lĩnh vực sản xuất thiết yếu của người dân. Chứ toàn dân đâu có kinh doanh vàng miếng? Nhưng nhà nước tôn trọng quyền bảo quản, cất giữ vàng miếng của người dân”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói và nhấn mạnh Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá vàng miếng nhưng cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác.

Với diễn biến tăng nóng của giá vàng SJC thời gian qua, theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, là có dấu hiệu đầu cơ; thậm chí tung tin thất thiệt để đẩy giá vàng miếng SJC lên cao.

Theo các chuyên gia, nếu tình trạng vàng hóa nền kinh tế xảy ra, nguy cơ thiếu hụt ngoại tệ càng lớn và gây sức ép phá giá đồng tiền Việt Nam.

Trên thực tế, hiện chưa có nghiên cứu nào về việc vàng có thể làm suy giảm vai trò tiền tệ của Việt Nam đồng. Tuy nhiên, vàng hóa khả năng sẽ tạo ra trào lưu giữ vàng hơn là giữ tiền, đặc biệt là khi lạm phát có xu hướng nóng lên, lượng tiết kiệm có thể sử dụng được (nguồn cung tín dụng) của nền kinh tế giảm đi. Trong cung cầu vốn tín dụng trên thị trường tiền tệ, tình trạng vàng hóa nền kinh tế gia tăng sẽ dẫn đến lãi suất thị trường tiền tệ gia tăng.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tất cả những vấn đề dư luận quan tâm, phản ánh đã được Ngân hàng Nhà nước ghi nhận và sẽ được xem xét khi sửa đổi Nghị định 24 sắp tới.

"Hướng sửa đổi ra sao để vừa đảm bảo quản lý, vừa đảm bảo tính thị trường thì thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai và sẽ xin ý kiến rộng rãi”, ông Tú nói.   

Ngày 27/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 1/2024.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất cấp thẩm quyền biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định…

Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình thị trường vàng trong nước và công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng; tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, hoàn thành trong tháng 1/2024.

Nguồn: TBKTVN