Quay lại

Chăn nuôi gia súc tại TP.HCM suy giảm

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, tính đến đầu tháng 4 năm 2023 tình hình chăn nuôi gia súc trên địa bàn Thành phố có tỷ lệ giảm sút. Cụ thể, tổng đàn heo trên địa bàn Thành phố hiện khoảng 138.965 con, được nuôi tại hơn 1.477 hộ, cơ sở chăn nuôi heo. So với cùng kỳ năm 2022, tổng đàn heo tại các cơ sở chăn nuôi giảm 15,6% và giảm 16,17% số hộ chăn nuôi. Tổng đàn bò sữa trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 49.859 con, được nuôi tại 3.696 hộ, giảm 17,08% số lượng và giảm 10,36% số hộ so với cùng kỳ.

Thông tin về việc suy giảm đàn heo, bò sữa trên địa bàn Thành phố, bà Lê Đinh Hà Thanh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y và chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết mặc dù số lượng chăn nuôi giảm nhưng phù hợp với chủ trương của Thành phố trong việc giảm dần quy mô chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, phát triển chăn nuôi quy mô lớn.

Nói về nguyên nhân suy giảm đàn gia súc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết tốc độ đô thị hóa nhanh ảnh hưởng đến diện tích đất sử dụng cho sản xuất nông nghiệp như xây dựng chuồng trại, đất trồng cỏ để cung cấp thức ăn xanh cho việc chăn nuôi, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành chăn nuôi.

“Hiện nay, chi phí giá thành sản xuất cao hơn giá bán sản phẩm trên thị trường nên người chăn nuôi không có lãi, thậm chí còn lỗ. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh trên cả nước còn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh mới nổi như Dịch tả heo Châu Phi, mặc dù có vắc-xin phòng bệnh nhưng chưa được phổ biến rộng rãi nên người chăn nuôi vẫn còn e ngại đầu tư mở rộng phát triển chăn nuôi”, bà Thanh nhấn mạnh.

Không chỉ riêng ngành chăn nuôi gia súc, ngành chăn nuôi và sản xuất cá cảnh tại Thành phố cũng có dấu hiệu suy yếu. Theo Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, trong những tháng đầu năm nay, số lượng cá cảnh sản xuất trên địa bàn đạt hơn 37 triệu con, giảm 11,3% và số lượng cá cảnh xuất khẩu đạt 4,1 triệu con, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu khi chiếm gần 65% sản lượng xuất khẩu cá cảnh của TP.HCM, kế đó là thị trường các nước châu Á với 28,5% sản lượng.

Về nguyên nhân giảm đàn cá cảnh, ông Lê Công Trường, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết một số cơ sở nuôi cá cảnh ở các huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi tạm ngưng sản xuất do thị trường tiêu thụ cá cảnh trong nước và xuất khẩu vẫn chưa khởi sắc và chịu ảnh hưởng kinh tế toàn cầu. Đồng thời, một số loại cá cảnh nuôi phổ biến như cá chép, cá bảy màu, cá chuột,…đã được chuyển đổi sang các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Long An... dẫn tới sự sụt giảm về số lượng trên địa bàn.

Nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghệp, TP.HCM định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung sản xuất con giống chất lượng cao, tăng số lượng trang trại quy mô lớn, có ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cũng đưa ra một số giải pháp trong việc phát triển chăn nuôi, trong đó nhấn mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân giảm nhanh quy mô chăn nuôi nông hộ, tăng mạnh quy mô chăn nuôi trang trại, tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác xã.

Ngoài ra, Sở cũng chú trọng trong công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc và hỗ trợ chi phí tiêm phòng cho người dân. Tiếp tục duy trì và mở rộng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững và xem xét hướng giải quyết khó khăn trong xây dựng chuồng trại, các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp để có thể đầu tư phát triển chăn nuôi.

Tuy nhiên, theo Sở Nông nghệp Phát triển và Nông thôn TP.HCM, việc triển khai các mục tiêu còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc một số vấn đề trong việc xây dựng chuồng trại, các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp để mở rộng quy mô và ứng dụng được công nghệ cao, chỉ được xây dựng trên đất nông nghiệp khác.

Nguồn: TBKTVN