Quay lại

Chính phủ sẽ đồng hành, tiếp sức doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

Ngày 23/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME).

VAI TRÒ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA NGÀY CÀNG ĐƯỢC KHẲNG ĐỊNH
Khẳng định vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng (hiện có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trên 25 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh), doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho người lao động.

Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc trong toàn bộ nền kinh tế. Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt trong hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực.

Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã tạo dựng được uy tín, khẳng định giá trị thương hiệu, vươn tầm ra khu vực và thế giới. Đặc biệt, trong thời gian gần đây đã xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, khởi nghiệp thành công với các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Trong đó, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục có bước phát triển cả về quy mô và năng lực sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, trên 97% doanh nghiệp cả nước là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.

Trên 97% doanh nghiệp cả nước là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.

Trên 97% doanh nghiệp cả nước là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.

Trong những năm qua, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế, nhất là trong duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, ổn định đời sống nhân dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cùng sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, vai trò, vị thế và uy tín của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng được khẳng định.

Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao vai trò của Hiệp hội. VINASME đã có những sáng kiến thúc đẩy quá trình thực thi chính sách, tích cực góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy xu hướng phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Đồng thời, tích cực dẫn dắt và thúc đẩy quá trình hội nhập của khu vực doanh nghiệp này. Triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư có hiệu quả.

Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng đánh giá cao Hiệp hội đã thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động của Hiệp hội còn những hạn chế, bất cập cần sớm khắc phục, xử lý hiệu quả trong thời gian tới.

Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động còn cao; quy mô doanh nghiệp còn khiêm tốn. Năng lực quản lý, hội nhập và ứng dụng khoa học công nghệ còn bất cập.

Hiệu quả hoạt động trên một số lĩnh vực của Hiệp hội còn hạn chế. Tính liên kết, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa cao, chưa thực sự tạo thành khối liên kết để cùng nhau phát triển và cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tham gia xây dựng chính sách đối với nhiều vấn đề kinh tế xã hội của đất nước…

Phó Thủ tướng cũng cho rằng trong thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sự phục hồi chậm, suy giảm tăng trưởng và khó khăn của các nước, đối tác thương mại lớn; tình trạng lạm phát ở mức cao và chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài ở nhiều quốc gia tiềm ẩn rủi ro tác động đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản trên phạm vi toàn cầu.

Sự dịch chuyển chuỗi giá trị, xu hướng thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu và các yêu cầu mới về phát triển xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

THÁO GỠ NHỮNG ĐIỂM NGHẼN
Thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, thách thức với doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, giải pháp để hỗ trợ, tiếp sức cùng đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Trong đó, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương sẽ tiếp tục đồng hành, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa.

Trọng tâm là ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp bối cảnh, tình hình mới. Kiên quyết loại bỏ những quy định không còn phù hợp, tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng đến hoạt động, phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân.

Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả và thực chất Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Về kế hoạch nhiệm kỳ tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp, tiếp tục có những giải pháp, hành động cụ thể, đồng hành với Chính phủ, các bộ ngành, địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh quá trình phục hồi và phát triển.

Trong đó, tăng cường vai trò làm cầu nối, vận động chính sách, duy trì đối thoại với các bộ, ngành, địa phương và quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước, nước ngoài về xây dựng pháp luật và chính sách điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tổng hợp, đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương các giải pháp, sáng kiến để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Tiếp tục chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, đánh giá thách thức, thời cơ, xu hướng kinh doanh, xu hướng thị trường mới, đặc biệt là các yêu cầu về kinh doanh bền vững, kinh doanh xanh; kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng.

Nguồn: TBKTVN