Quay lại

Khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên và Tiến sỹ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE vừa ký Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA).

Lễ ký kết diễn ra hôm nay, 6/4 trong  khuôn khổ chương trình làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).

FTA giữa Việt Nam và UAE được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các cơ hội hợp tác về đầu tư, thương mại, phát huy tối đa tiềm năng của quan hệ song phương. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, đang trở thành công xưởng sản xuất nhiều ngành hàng quan trọng của khu vực và thế giới, còn UAE có nhiều thế mạnh với vị trí cảng trung chuyển và trung tâm tài chính và logistics. 

FTA này còn là nền tảng cho quan hệ đối tác hiện đại, năng động, tạo ra kỷ nguyên hợp tác mới, mang lại lợi ích chung và toàn diện, bao gồm thương mại hàng hóa và dịch vụ, thuận lợi hóa đầu tư, các lĩnh vực khác sẽ được thỏa thuận và hợp tác trong các vấn đề liên quan, nhằm phục vụ các mục tiêu kinh tế mà hai bên đặt ra là tăng đáng kể kim ngạch thương mại và đầu tư song phương.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, Việt Nam đã hoàn thành nghiên cứu khả thi về khả năng tiến hành đàm phán Hiệp định, là cơ sở quan trọng để quyết định việc sớm khởi động đàm phán.

Ông khẳng định, Việt Nam đánh giá cao việc cấp kỹ thuật của hai bên đã bắt tay ngay vào việc thảo luận về dự thảo điều khoản tham chiếu (TOR) của hiệp định này để có thể bắt tay ngay vào giai đoạn đàm phán thực chất khi chủ trương đàm phán được lãnh đạo hai bên phê duyệt.

"Chủ trương của Đảng và Chính phủ Việt Nam là thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng, trong đó có việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do để xoá bỏ rào cản đối với thương mại và đầu tư, tạo lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân", Bộ trưởng cho hay.

Do vậy, dự kiến ngay sau khi cấp kỹ thuật hai bên thống nhất được tài liệu điều khoản tham chiếu (TOR) và tài liệu này được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hai bên có thể khởi động đàm phán với mục tiêu kết thúc và đưa hiệp định vào thực thi trong thời gian sớm nhất có thể.

UAE hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi nhưng vẫn còn nhiều dư địa để phát huy hơn nữa tiềm năng của 2 nền kinh tế, với cơ cấu kinh tế có tính bổ trợ lẫn nhau.

Do vậy, Bộ trưởng Diên đề nghị, hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đoàn doanh nghiệp nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư; nghiên cứu, thúc đẩy thiết lập cơ chế hợp tác chứng nhận Halal để tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước, kết nối đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối tại UAE…

Trong khi đó, Tiến sĩ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi khẳng định, UAE muốn tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam, luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng về kinh tế và có nhiều tiềm năng, dư địa hợp tác.

"Lãnh đạo cấp cao của UAE đã có chỉ đạo cần thiết về việc sớm khởi động đàm phán ngay sau khi Việt Nam hoàn thành các thủ tục trong nước. Hiệp định này cũng được các doanh nghiệp của UAE hết sức quan tâm, mục tiêu là FTA được đàm phán sớm, đưa vào thực thi sẽ là động lực cho tăng cường hợp tác kinh tế và giao thương trên cơ sở hai bên cùng có lợi", Tiến sĩ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi nhấn mạnh.

Năm 2022, theo số liệu của Bộ Công thương, thương mại 2 chiều Việt Nam - UAE đạt gần 4,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang UAE 3,84 tỷ USD, giảm gần 18% so với năm 2021 và nhập từ thị trường này 550 triệu USD.

Nguồn: Báo Đầu tư