Quay lại

Làm rõ trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng

Điện và xăng đều gây bức xúc

Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” là nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong tuần qua.

Mặc dù có thể chưa có đủ thời gian đọc toàn bộ hơn 9.000 trang tài liệu kèm theo báo cáo chính của Đoàn Giám sát, song các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho thấy sự lo lắng. Lo vì còn hàng loạt vấn đề nội tại không dễ xử lý của lĩnh vực năng lượng và lo kết quả giám sát chưa làm rõ được trách nhiệm, chưa có kiến nghị xác đáng để góp phần xoay chuyển tình hình.

Giai đoạn 2016-2021, theo đánh giá của Đoàn Giám sát, việc cung cấp và nhập khẩu năng lượng cơ bản đáp ứng đủ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh với chất lượng ngày càng được cải thiện, cơ bản đảm bảo an ninh năng lượng. Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 có mức tăng trưởng trung bình khoảng 8,7%/năm. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 6,8%/năm.

Nhưng, kết quả giám sát cho thấy, mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức, các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia biến động theo chiều hướng bất lợi. Khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030-2050) là nguy cơ hiện hữu.

Đáng chú ý là, trong số 6 chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, có đến 3 chỉ tiêu đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Đó là tỷ số trữ lượng và sản xuất của than, dầu thô và khí đốt tự nhiên ngày càng giảm (than còn khoảng 70 năm, dầu thô còn 20 năm, khí tự nhiên còn 40 năm). Xu hướng phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trở nên rõ ràng. Tỷ lệ chi phí nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trong tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng.

Trong gần 15 trang nêu hạn chế, bất cập, Đoàn Giám sát chỉ rõ, các tập đoàn năng lượng lớn của Nhà nước như EVN, PVN, TKV đã không hoàn thành việc đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện theo nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Một số dự án năng lượng đầu tư trong nước thua lỗ, đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng còn kém hiệu quả, rủi ro mất vốn cao. Chỉ tính riêng đối với ngành dầu khí, chi phí của các dự án đã thất bại và có rủi ro thất bại cao khoảng 2 tỷ USD, chiếm trên 50% tổng vốn đã chuyển ra nước ngoài trong lĩnh vực này.

Đáng lưu ý, việc xử lý hậu quả đối với 3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học (các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học: Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bình Phước) hết sức khó khăn, gây nợ xấu cho các tổ chức tín dụng. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm tỷ lệ đáng kể (35-40%) trong tổng cung nội địa phải giảm công suất còn 55-80%.

Giám sát chưa rõ trách nhiệm

Còn nhiều hạn chế, bất cập, khuyết điểm, vi phạm khác nữa được Đoàn Giám sát đề cập, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Báo cáo cũng nêu trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có trách nhiệm chưa thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, để thị trường xăng dầu trong nước còn bị động, thiếu hụt nguồn cung.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, còn chịu trách nhiệm đối với tình trạng gián đoạn nguồn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt là khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 6/2023, cắt điện đột ngột, không báo trước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh và môi trường đầu tư. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm chính nếu để tình trạng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và trong dài hạn (2030-2050), ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.

Nêu rõ, trong an ninh năng lượng, quan trọng nhất là điện, xăng, dầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, để tạo ra chuyển biến sau giám sát, thì phải làm rõ thực trạng, làm rõ trách nhiệm trong ban hành văn bản pháp luật, tổ chức thực hiện, chứ không thể nói chung chung như báo cáo.

Sau mỗi cuộc giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều ban hành nghị quyết. “Khi chúng ta đặt bút ký nghị quyết này, Thường vụ cũng phải chịu trách nhiệm về vấn đề liên quan, đã không giám sát thì thôi, nhưng đã giám mà không sát, sát rồi không giám, thì sau này cũng phải chịu trách nhiệm, nếu có hệ lụy gì cho nền kinh tế mà không phát hiện, không chỉ ra được và không chấn chỉnh ngay từ bây giờ”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Đi vào những vấn đề cụ thể, ông Huệ đặt vấn đề, một loạt dự án ngành năng lượng có nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn mà nghị quyết của Quốc hội đã chỉ ra thì lần này làm tiếp thế nào?

“Chúng tôi mới đi Cần Thơ về, chuỗi khí, điện Lô B - Ô Môn cả thượng nguồn, hạ nguồn, trung nguồn đều tắc giữa PVN, EVN, giữa các bộ, các ngành... Giám sát phải chỉ ra được trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Với riêng lĩnh vực điện, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần tập trung vào Quy hoạch Điện VII, nơi mà các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra đang chỉ ra hàng loạt sai phạm.

Cũng quan tâm đến các quy hoạch điện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trước đây, doanh nghiệp nói rằng, ở Quy hoạch Điện VII, Quy hoạch Điện VII điều chỉnh có hiện tượng là có dự án ở vùng này, vùng kia, với quy mô công suất bao nhiêu và có cả tên của các nhà đầu tư trong danh mục. “Nếu đã có tên rồi thì sự cạnh tranh, việc đấu thầu trong thực hiện các dự án các danh mục trong quy hoạch là có vấn đề”, ông Thanh nhận định.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng đặt vấn đề, vừa rồi có phong trào đầu tư ồ ạt vào điện mặt trời, điện gió, khi Bộ Công thương tham mưu ban hành giá FIT có thời hạn. Nhiều dự án được đưa vào hoạt động, có dự án được hưởng giá FIT, dự án không được hưởng giá FIT, hoặc có dự án chỉ được hưởng một phần giá FIT. Các cơ quan của Quốc hội đã nhận được kiến nghị của 36 nhà đầu tư thuộc diện này.

Từ đó, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị Đoàn Giám sát phải làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm việc ban hành giá FIT đúng không? Việc hưởng giá FIT cho các doanh nghiệp có công bằng, đúng nguyên tắc và tiêu chí hay không? Ngoài ra, một nguồn công suất nhất định đã đầu tư mà không tiêu thụ, sử dụng được do thiếu đường dây truyền tải có phải là sự lãng phí, thất thoát nguồn lực xã hội hay không?

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần đánh giá những ách tắc, vướng mắc trong điều hành giá điện, giá than, giá khí và xăng, dầu vừa qua, cũng như nguyên nhân và trách nhiệm thế nào.

“Cần đánh giá kỹ hơn thực trạng thực hiện Quy hoạch Điện VII, Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, những vướng mắc giữa quy hoạch và truyền tải điện ra sao, để xảy ra tình trạng điện thừa, nhưng không hòa được lưới điện quốc gia. Một số doanh nghiệp rất bất bình và không tin vào chính sách năng lượng của chúng ta. Quy hoạch thì vượt công suất truyền tải, đến khi người ta có điện rồi, ông không hòa lưới cho người ta, hợp đồng, giá cả thì doanh nghiệp và người dân nói rất nhiều, có vấn đề gì trong đấy không? Lợi ích nhóm không? Vấn đề này phải làm rõ”, ông Phương đề nghị.

Phát biểu thêm cuối phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Đoàn Giám sát tiếp thu các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo dự thảo nghị quyết, tiếp tục xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó gửi các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu, khai mạc ngày 23/10 tới.

Không hợp thức hóa dự án sai phạm

Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đã có rất nhiều vấn đề chưa chế định được, nên mới để những khe hở bị lợi dụng trên thực tế. Với Quy hoạch Điện VIII, vấn đề hiện nay đang vướng chính là khu vực thủy điện nhỏ, điện mặt trời và điện gió. Bởi bản thân Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đang được xử lý, nên trong Quy hoạch Điện VIII không thể tính toán được. Một số dự án đưa vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đã sai rồi, nên không thể đưa vào Quy hoạch Điện VIII,

vì như vậy là hợp thức hoá. Đây là chuyện mà tại sao gần 2 năm không ai dám phê duyệt Quy hoạch Điện VIII, thực tế khi phê duyệt cũng hết sức lo lắng, có những vấn đề là quy hoạch gồm cả Trung ương, địa phương, gắn với các quy hoạch đất đai, lâm nghiệp… Do đó, nếu làm quy hoạch không có số liệu và tính toán đầy đủ, thì không thể đưa vào kế hoạch được.

- Phó thủ tướng Trần Hồng Hà

Nguồn: Báo Đầu tư