Quay lại

Năm 2024: Thời cơ “vàng” gia tăng xuất khẩu gạo

Tại hội thảo “Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới”, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: xuất khẩu gạo lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11/2023 đạt 7,75 triệu tấn về sản lượng và 4,41 tỷ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng là 568 USD/tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

GẠO VIỆT NAM ĐANG CÓ NHIỀU CƠ HỘI

Trong 11 tháng của năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang Philippines đạt 2,63 triệu tấn, trị giá 1,41 tỷ USD. Tiếp đến là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi. Sản phẩm gạo xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là gạo trắng, chiếm tới hơn 60% trong cơ cấu, và đạt hơn 2,3 tỷ USD giá trị.

"Thị trường số 1 của gạo xuất khẩu từ Việt Nam tiếp tục là Philippines, hiện chiếm khoảng 35% thị phần gạo Việt Nam xuất khẩu".

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường.

Phân tích tình hình thị trường xuất khẩu gạo năm 2024, lãnh đạo Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường cho biết sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Hơn nữa, lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn nên đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu của các nước sẽ biến động. Một số quốc gia sẽ giảm nhập như Brazil, Ai Cập, Ghana…, nhưng một số nước, trong đó có bạn hàng lớn của Việt Nam là Indonesia, lại dự báo tăng nhập khoảng 600.000 tấn, hay như Philippines - một đối tác quan trọng khác của Việt Nam – ngay trong năm 2023 này ước nhập khẩu  hơn 2,8 triệu tấn gạo, trong đó: 90% khối lượng nhập là từ Việt Nam; 4,5% từ Thái Lan (126.560 tấn); 4,3% từ Myanmar (120.538 tấn), còn lại đến từ Pakistan, Ấn Độ, Campuchia.

Đánh giá về tình hình cung cầu gạo trong thời gian tới, ông Subramanian đến từ Công ty SSRESOURCE MEDIA (Singapore), cho rằng xét về nguồn cung, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo trong năm 2024 sẽ mang đến những lợi thế nhất định cho lúa gạo Việt Nam.

Ông Renzo Moro, đại diện Đại sứ quán Italy tại Việt Nam, cho biết quy mô thị trường gạo Italy dự kiến sẽ tăng từ 2,23 tỷ USD năm 2023 lên 2,83 tỷ USD vào năm 2028. Italy là nước sản xuất gạo hàng đầu ở châu Âu, chiếm khoảng 5% tổng sản lượng gạo của khối. Tuy nhiên, tiêu thụ gạo của Italy đã tăng đều đặn trong vài năm qua, do đó Italy phải tăng cường nhập khẩu gạo từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo, GS. Võ Tòng Xuân nhấn mạnh: vấn đề biến đổi khí hậu và ảnh hưởng El Nino trong năm 2024 cùng với việc hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ góp phần làm thị trường khó đoán định hơn. Hiện nay, giá gạo ngày càng tăng, đây là cơ hội của ngành hàng lúa gạo Việt Nam, khi chúng ta đang ngày có càng nhiều giống lúa ngắn ngày, chất lượng và năng suất cao. Thời gian qua, nhiều công trình thủy lợi lớn được đầu tư xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long, đã giúp ngành lúa gạo có thể đối phó với tình hình biến đổi khí hậu.

GẠO TỪ VIỆT  NAM ĐỦ ĐỂ CHIA SẺ

Ông Aziz Arya, chuyên viên Văn phòng FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết gạo là nguồn lương thực chính đối với hơn 3,5 tỷ người, tương đương một nửa dân số thế giới và cung cấp khoảng 20% nguồn cung năng lượng trong bữa ăn toàn cầu. Tại khu vực châu Á, tiêu thụ gạo có thể chiếm đến 70% lượng hấp thụ calo mỗi ngày. Trong chuỗi giá trị lúa gạo đang gặp những thách thức nhất định, như gánh nặng kép về thay đổi nhân khẩu học dẫn đến nhu cầu về thực phẩm nhiều hơn, đa dạng hơn, chất lượng cao hơn.

Để giải quyết các thách thức này, đại diện FAO đề xuất một số phương án về chính sách trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, thị trường và thương mại, tiêu thụ. Tại khâu đầu sản xuất, cần tập trung đến khuyến nông và nghiên cứu giống lúa, đất. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư hợp tác tác công tư vào chế biến. Xúc tiến đầu tư hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định

thời gian qua thị trường lúa gạo có nhiều biến động và khó đoán định do một số nước dừng xuất khẩu, các vấn đề địa chính trị, xung đột toàn cầu, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Theo kịch bản an toàn nhất mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán, mỗi năm Việt Nam còn dư khoảng 13 - 14 triệu tấn lúa, tương đương hơn 7 triệu tấn gạo. Do đó, ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để ký các bản ghi nhớ về cung cấp lúa gạo trong thời gian dài.

Theo khuyến nghị của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trong tình hình nguồn cung gạo thiếu hụt so với như cầu, các quốc gia nhập khẩu gạo nên “đặt hàng trước” với Việt Nam bằng việc ký kết các bản ghi nhớ. Điều này sẽ giúp Việt Nam có thêm động lực để xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ xuất khẩu, giúp ích trực tiếp cho người nông dân..

Nguồn: TBKTVN