Quay lại

Nguồn cung nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp FDI sẽ tiếp tục khan hiếm

Ngày 22/5, tại Trường Đại học Xây dựng (Hà Nội) diễn ra Diễn đàn thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa doanh nghiệp FDI với các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam Nguyễn Văn Phúc cho biết sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục đại học của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Các cơ sở giáo dục đại học dần trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo và đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế một cách mạnh mẽ.

Hợp tác doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục đại học được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, với 243 cơ sở giáo dục đại học với 2.252.697 sinh viên đã đáp ứng phần nào nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, hiện nay với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ và thị trường lao động thì các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong nghiên cứu và đào tạo để có thể đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là những ngành công nghệ cao.

Cụ thể, tính đến 31/3/2022, trong hơn 51,2 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, tỷ lệ dân số có chuyên môn kỹ thuật chiếm khoảng 26% và tỷ lệ dân số có trình độ đại học là khoảng 11%. Nguồn cung nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI được nhận định sẽ tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới.

Bên cạnh các dự án FDI hiện đang hoạt động, có trên 3000 dự án mới được cấp phép mới trong năm 2023 sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn trong việc sử dung lao động, nhất là những ngành đòi hỏi nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

“Chính vì vậy, các doanh nghiệp FDI cần phải liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam trong tìm kiếm nguồn nhân lực, đặt hàng các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam để đào tạo, coi đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho sự phát triển”, Thứ trưởng nhận định.

Theo Thứ trưởng, diễn đàn này là một trong số các hoạt động mà Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục Đào tạo thực hiện thường niên theo Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.

“Bộ Giáo dục Đào tạo mong muốn, các tổ chức, cá nhân, đại diện các doanh nghiệp FDI, các cơ sở giáo dục đại học chia sẻ những kinh nghiệm hợp tác; trao đổi, đề xuất, hiến kế tháo gỡ khó khăn giúp cho giáo dục đại học Việt Nam phát triển đúng với tiềm năng, hoàn thành sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần quan trọng vào việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nói.

6 thỏa thuận hợp tác được trao tại diễn đàn

Tọa đàm “Các giải pháp tăng cường kết nối” với sự tham gia của đại diện lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo, đại sứ quán, các viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo nhân lực, các cơ sở giáo dục đại học cũng đã được tổ chức trong khuôn khổ diễn đàn.

Nhân dịp này, 6 biên bản thỏa thuận hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp FDI đã được trao tại diễn đàn.

Đó là, thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Mỏ Địa chất với BLACKSTONE; Trường Đại học Mỏ Địa chất với MINCORE; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên với Công ty TNHH COGNEX Việt Nam; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên với Công ty TNHH ABB Việt Nam; Trường Đại học Xây dựng với Công ty Life Design Kabaya (Nhật Bản); Trường Đại học Xây dựng với  Công ty TNHH Điều hòa Gree Việt Nam (Trung Quốc).

Nguồn: TBKTVN