Quay lại

Những bất thường “chưa từng thấy” của doanh nghiệp lên nghị trường

Phát biểu trong phiên thảo luận sáng 1/6 của Quốc hội, doanh nhân - đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) nêu một số yếu tố bất thường rất đáng quan tâm về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biếu nêu con số 4 tháng đầu năm, nếu bình quân mỗi tháng có khoảng 19.900 doanh nghiệp gia nhập thị trường, bao gồm thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì cũng có tới 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm tạm ngừng kinh doanh và làm thủ tục giải thể.

Tính chung 4 tháng có 78.900 doanh nghiệp gia nhập thị trường, đồng thời cũng có 77.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong số đó có khoảng 27.000 doanh nghiệp, khoảng 35% đã và đang làm thủ tục giải thể.

Theo đại biểu, điều bất thường thứ nhất, đó là số doanh nghiệp gia nhập thị trường và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tương đương nhau. “Đây là điều chưa từng thấy, theo dõi số liệu thống kê từ năm 2020, khi Quốc hội sửa Luật Doanh nghiệp đến nay, hàng năm, số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn cao hơn rất nhiều so với số doanh nghiệp rời khỏi thị trường”, bà Hiền nhấn mạnh.

Điều bất thường thứ hai, con số bình quân 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng có thể nói là một mức tăng đột biến, nếu so sánh với mức bình quân 11.900 doanh nghiệp vào năm 2022, 10.000 vào năm 2021, 8.500 vào năm 2020, 6.000 vào năm 1999.

Đại biểu nêu bất thường thứ ba, đó là điều này xảy ra ngay từ những tháng đầu năm, là thời điểm thông thường doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước và xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới như đánh giá trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

“Mặc dù từ cuối năm 2022, Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để gỡ khó, tăng cường khả năng chống chịu cho doanh nghiệp nhưng mức độ tác động và hiệu quả dường như chưa được như kỳ vọng. Rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang vùng vẫy trong tứ bề khó khăn bởi thiếu đơn hàng, thiếu thị trường, thiếu vốn, lãi suất cao, chuỗi cung ứng chưa phục hồi, thông suốt”.

Nhấn mạnh thực trạng, bà Hiền cho rằng, vẫn biết việc thành lập hay giải thể doanh nghiệp là chuyện bình thường trong vận hành kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến đến mức bất thường, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cần được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo đánh giá, phân tích thấu đáo hơn.

Từ đó nhận diện rõ ràng, chính xác thực trạng của doanh nghiệp rút khỏi thị trường ở loại hình nào, lĩnh vực gì, quy mô vốn và nhân lực ra sao, nguyên nhân ngừng hoạt động. Trong đó cần chú trọng đánh giá những nguyên nhân chủ quan liên quan đến trách nhiệm tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế, xem như cơ hội để có những giải pháp thực tế hơn, hỗ trợ thiết thực hơn cho cộng đồng doanh nghiệp nội địa để nuôi dưỡng trợ lực và phát triển kinh tế tư nhân.

Là đại biểu doanh nhân, bà Hiền cho rằng, trong bối cảnh một nền kinh tế có độ mở lớn, đối mặt với những biến động khó lường, những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ đã đến lúc cần nghiên cứu để có những chính sách ưu đãi căn cơ hơn nữa về thuế thu nhập, tiền sử dụng đất thay cho những chính sách hỗ trợ mang tính tạm thời, chưa đủ độ tạo đà phục hồi cho doanh nghiệp.

“Cách đây một tuần, ngày 24/5, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 14 về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài. Tôi cũng mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm có những chỉ đạo sâu sắc, chia sẻ và hỗ trợ thiết thực đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước”, bà Hiền nói.

Theo vị đại biểu Hà Nam, hiện nay, theo quy định pháp luật về đất đai, điều kiện giao đất để thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất lúa phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ từ 10 ha trở lên và nghị quyết HĐND cấp tỉnh đối với trường hợp sử dụng 10 ha đất lúa.

Để tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, bà Hiền đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, chấp thuận thực hiện ủy quyền cho HĐND tỉnh chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất lúa đối với các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh lớn hơn 10 ha, trên cơ sở tuân thủ kế hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền chấp thuận, đảm bảo nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.

Vấn đề tiếp theo, đại biểu Hiền đề cập là, theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường hiện hành, các dự án có sử dụng đất lúa phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trước khi triển khai thực hiện dự án. Thực tế, có những dự án ở địa phương có quy mô nhỏ, sử dụng diện tích rất ít đất lúa nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục ĐTM dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án. Thủ tục, trình tự đánh giá ĐTM thông thường mất khoảng 6 tháng.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đại biểu Trần Thị Hiền đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét quyết định cho phép xác định đối tượng đánh giá ĐTM theo quy mô xây dựng, tính chất công trình, không xác định theo nguồn gốc diện tích sử dụng đất lúa trồng, đồng thời xem xét ủy quyền cho địa phương phê duyệt ĐTM đối với các dự án đầu tư thông thường có sử dụng lớn hơn 10 hecta đất lúa, trừ các dự án có ảnh hưởng xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Nguồn: Báo Đầu tư