Quay lại

Quý 1/2023: Xuất khẩu suy giảm, thặng dư thương mại vẫn đạt trên 4 tỷ USD

Theo số liệu thống kê mới nhất được Tổng cục Thống kê công bố, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý 1/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%.

Quý 1/2023: Xuất khẩu suy giảm, thặng dư thương mại vẫn đạt trên 4 tỷ USD - Ảnh 1

Về nguyên nhân suy giảm, Tổng cục Thống kê cho rằng do kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, bộ ngành và địa phương cùng với với sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu nên cán cân thương mại hàng hóa quý 1/2023 ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD.

Cụ thể, về xuất khẩu, tháng 3/2023 ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,33 tỷ USD, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,24 tỷ USD, tăng 13,7%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3 giảm 14,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 16%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 14,4%.

Tính chung quý 1/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 19,26 tỷ USD, giảm 17,4%, chiếm 24,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,91 tỷ USD, giảm 10%, chiếm 75,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong quý 1/2023 có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 04 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).

Trị giá một số mặt hàng xuất khẩu quý 1 năm 2023.

Trị giá một số mặt hàng xuất khẩu quý 1 năm 2023.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý 1/2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 70,24 tỷ USD, chiếm 88,7%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 6,07 tỷ USD, chiếm 7,7%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 1,79 tỷ USD, chiếm 2,3%.

Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,72 tỷ USD, tăng 35,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,2 tỷ USD, tăng 18,7%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3 giảm 11,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 7,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 13%.

Tính chung quý 1/2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 13,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,07 tỷ USD, giảm 15,4%.

Trong quý 1/2023 có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 75,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 37,6%).

Trị giá một số mặt hàng nhập khẩu quý 1 năm 2023.

Trị giá một số mặt hàng nhập khẩu quý 1 năm 2023.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu quý1/2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 70,22 tỷ USD, chiếm 93,5%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 43,8%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 4,88 tỷ USD, chiếm 6,5%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa quý 1/2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD.

Trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 17,5 tỷ USD, giảm 23,4%; xuất siêu sang EU ước đạt 6,9 tỷ USD, giảm 10,1%; nhập siêu từ Trung Quốc 12,1 tỷ USD, giảm 15,4%; nhập siêu từ Hàn Quốc 6,3 tỷ USD, giảm 40,1%; nhập siêu từ ASEAN 2 tỷ USD, giảm 46,3%; nhập siêu từ Nhật Bản 158,5 triệu USD, giảm 66,4%.

Thị trường xuất, nhập khẩu hàng hoá chủ yếu quý 1 năm 2023.

Thị trường xuất, nhập khẩu hàng hoá chủ yếu quý 1 năm 2023.

Như vậy, với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 3 ước tính xuất siêu 0,65 tỷ USD. Tính chung quý 1/2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,77 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,84 tỷ USD.

Năm 2023, xuất khẩu tiếp tục được xác định là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng 6%, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm 2022. Mặc dù, mục tiêu này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của năm 2022 (10,5%), song đây cũng là thách thức lớn, bởi Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh các nền kinh tế khác có tiêu dùng hoặc đầu tư ít hơn, lượng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 có thể bị tác động. Như vậy, để đạt được mục tiêu đã đề ra, đòi đòi hỏi nỗ lực, cố gắng rất lớn, cần có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là các địa phương, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp.

Trong quý 1/2023, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 5,44 tỷ USD, tăng 238,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 2,7 tỷ USD (chiếm 49,6% tổng kim ngạch), tăng gần 28 lần; dịch vụ vận tải đạt 1,85 tỷ USD (chiếm 34%), tăng 164,3%.

Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ quý 1/2023 ước đạt 5,66 tỷ USD (trong đó đã tính trong phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 1,87 tỷ USD), giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 2,69 tỷ USD (chiếm 47,5% tổng kim ngạch), giảm 10,9%; dịch vụ du lịch đạt 1,25 tỷ USD (chiếm 22,1%), tăng 4,2%.

Nguồn: TBKTVN