Quay lại

Sửa đổi, bổ sung Nghị định về khuyến công: Tạo sự bứt phá cho công nghiệp nông thôn

Tại “Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công”, đại diện Sở Công Thương các tỉnh cho rằng công tác khuyến công địa phương trên cả nước đã đi vào chiều sâu và tác động tích cực hơn tới ngành công nghiệp nông thôn của các tỉnh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cho phát triển kinh tế hiện nay, công nghiệp nông thôn đã có nhiều thay đổi, buộc chính sách khuyến công cần có sự điều chỉnh phù hợp, khắc phục những bất cập còn tồn tại.

MỞ RỘNG, THU HÚT NHÀ ĐẦU TƯ THỨ CẤP
Sở Công Thương Phú Thọ cho rằng cần sửa đổi Nghị định để mở rộng đối tượng áp dụng nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế là nhà đầu tư thứ cấp đầu tư sản xuất công nghiệp tại các cụm công nghiệp nhất là các cụm công nghiệp trên địa bàn kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Trong đó, bao gồm cả những doanh nghiệp lớn bởi. Vì mức đầu tư sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ với tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng rất khó có thể đầu tư những dây chuyền sản xuất công nghiệp hiện đại.

Cùng với đó, bổ sung nội dung hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp hoặc cần thiết xây dựng một chương trình hỗ trợ hạ tầng cụm công nghiệp riêng nhằm động viên thu hút nhà đầu tư cụm công nghiệp.

Vì theo đại diện Sở Công Thương Phú Thọ, đây là một nội dung rất cần thiết đối với các tỉnh đang bắt đầu thu hút đầu tư hạ tầng chuẩn bị mặt bằng cho các cơ sở công nghiệp nông thôn để dần đưa vào sản xuất tập trung thuận tiện cho công tác quản lý cũng như hạn chế ô nhiễm môi trường nhất là đối với những địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Còn theo Sở Công Thương tỉnh Thanh Hoá, công tác khuyến công với mục tiêu cuối cùng là tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và thúc đẩy cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển, từ đó tăng thu ngân sách cho địa phương, cho quốc gia.

Do đó, không nên quy định đối tượng và phạm vi áp dụng như hiện nay, cần được mở rộng nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức thực hiện và cơ hội cho các cơ sở công nghiệp nông thôn có điều kiện tiếp cận chương trình.

Vì thế, đại diện Sở Công Thương tỉnh Thanh Hoá đề nghị bổ sung về đối tượng và địa bàn được thụ hưởng. Đối tượng áp dụng là tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, kể cả các doanh nghiệp lớn (trừ các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp từ nước ngoài). Không bó hẹp trong phạm vi đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Ngoài ra, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn, các ý kiến đều cho rằng cần có các chính sách hỗ trợ đẩy mạnh chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.

Theo Sở Công Thương Phú Thọ, Nghị định cần bổ sung các nội dung hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn nghiên cứu, phát triển, áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hỗ trợ ứng dụng các phần mềm quản lý sản xuất, quản lý kinh doanh, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử. Hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm để đáp ứng điều kiện xuất khẩu.

Mặt khác, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn nghiên cứu, phát triển, áp dụng các giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh (số hoá dữ liệu quản lý, kinh doanh, áp dụng công nghệ số để tự động hoá, tối ưu hoá các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp) nhằm góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển đổi số đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.

Sở Công Thương Bắc Giang cho rằng Nghị định cần quy định rõ về nội dung chi, mức chi dành cho nội dung hỗ trợ chuyển giao công nghệ 4.0 vào các khâu sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn.

“Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 có quy định nhưng hiện nay các văn bản của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn cụ thể nên các địa phương không có căn cứ triển khai thực hiện”, đại diện Sở Công Thương Bắc Giang giải thích.

Sở Công Thương tỉnh Gia Lai đề xuất bỏ quy định về thời gian chuyển đổi từ xã, chưa quá 5 năm mới được thụ hưởng chính sách khuyến công. Điều này gây thiệt thòi cho các đối tượng trong diện hỗ trợ phát triển sản xuất và cũng rất trở ngại khi không tìm được đối tác đủ tiêu chuẩn để hỗ trợ, cũng như không tạo ra được sự cạnh tranh công bằng đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Bổ sung nội dung: “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn nghiên cứu, phát triển, áp dụng các giải pháp trong thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Đồng thời, nâng mức hỗ trợ đối với nội dung “Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp”. Việc này giúp tạo động lực cho các đơn vị sản xuất tạo được sự bứt phá và trở thành những doanh nghiệp lớn, sản xuất sản phẩm có giá trị, làm đòn bẩy phát triển sản xuất.

Nguồn: TBKTVN